Trước tình hình này, về công tác đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu ổn định, đại diện Sở Công thương TP Hồ Chí Minh khẳng định việc mua hàng và vận chuyển hàng chắc chắn sẽ khó hơn.
Do đó, Sở Công thương đang phải rà soát các nơi cung ứng, chủ động liên hệ với các doanh nghiệp cung ứng ở những tỉnh phía Đông, ở Tây Nguyên, và phía Bắc để chủ động nguồn hàng khi các tỉnh miền Tây "đóng cửa".
Ngoài các kênh phân phối hiện đại, thì mới đây thêm một sự chung tay của doanh nghiệp trên địa bàn trong việc đưa 5 tàu cao tốc du lịch chở khách sẵn sàng tham gia mỗi ngày để chở khoảng 200 tấn thực phẩm từ miền Tây lên TP Hồ Chí Minh.
TP Hồ Chí Minh sử dụng tàu cao tốc để vận chuyển hàng hoá (Ảnh: Báo Đầu tư)
Dự kiến ngày mai (19/7) hoặc nếu thủ tục xong sớm thì tàu cao tốc sẽ bắt đầu vận chuyển hàng hóa từ tỉnh Tiền Giang đi TP Hồ Chí Minh và ngược lại. Mỗi một tàu có thể vận hành được 2 chuyến, mỗi chuyến 20 tấn.
Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng đang kiểm tra xem xét để sớm cho mở cửa cuốn chiếu một số chợ trên địa bàn để đảm bảo hàng hoá thiết yếu của người dân. Và trong sáng nay (18/7), lãnh đạo TP Hồ Chí Minh sẽ đi kiểm tra tình hình đảm bảo an toàn tại 1 số chợ như: Chợ Bình Thới, chợ Hạnh Thông Tây, chợ Ba Bầu... để có quyết định cho vấn đề này.
Triển khai thêm nhiều kênh bán hàng thiết yếu
Ngoài ra, trong những ngày gần đây TP Hồ Chí Minh còn linh động triển khai thêm các kênh bán hàng thiết yếu lưu động nữa. TP đã mời gọi doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau cùng tham gia kết nối, hình thành một chuỗi phân phối hàng hóa thực phẩm đến tay người tiêu dùng.
Theo đó, người dân TP đang có một trải nghiệm mới, là mua thực phẩm thiết yếu, đặc biệt là rau củ quả giá bình ổn thị trường tại các điểm bán hàng lưu động, bưu điện, thậm chí là tại các nhà thuốc, cửa hàng chuyên kinh doanh hàng hóa cho trẻ em.
TP Hồ Chí Minh đang tổ chức một chuỗi cung ứng linh hoạt chưa từng có
Kích hoạt những doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác nhau "ghép nối" lại, bổ trợ lẫn nhau trong các khâu: Từ thu mua, vận chuyển, lưu trữ đến phân phối. Với chuỗi cung ứng linh hoạt chưa từng có này, người dân TP sẽ được tiếp cận các kênh phân phối bình ổn với quy mô hơn 1.000 điểm bán bổ sung.
Nhiều hệ thống cửa hàng chuyên kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng khác cũng sẵn sàng chuyển đổi tạm thời công năng, sử dụng các kho sẵn có cùng tham gia cung cứng rau củ quả, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân qua các sàn thương mại điện tử.
"Ở từng quận huyện, ở từng xã phường cũng sẽ có những điểm cung ứng hàng hoá cho bà con. Các chợ sẽ được nghiên cứu mở lại theo mô hình chợ an toàn tiếp nhận hàng hoá từ ngoại tỉnh về thành phố, tổ chức cung ứng đảm bảo về số lượng và giá", Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!