Loay hoay với bài toán chuyển đổi số
Theo TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, chuyển đổi số giúp tăng được hiệu quả và năng suất lao động trong các hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm từ quản lý và quản trị khai thác dữ liệu thông tin, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp; chuyển đổi số còn mở ra thị trường cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ khó có thể tổ chức được mạng lưới bán hàng như các doanh nghiệp lớn.
Trao đổi với phóng viên VTV Times xung quang câu chuyện này, TS Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam nhấn mạnh: Hiện DNNVV chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp nước ta và có vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Mặc dù, khái niệm chuyển đổi số không còn xa lạ đối với cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ cùng sự đồng hành của các bộ, ngành, địa phương... Tuy nhiên cho đến nay, việc tham gia vào quá trình chuyển đổi số của các DNNVV còn chậm. Chưa có nhiều doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số đạt được hiệu quả cao.
Lý giải về nguyên nhân của thực trạng này, theo lãnh đạo Hiệp hội DNNVV Việt Nam, bên cạnh yếu tố như đa số DNNVV chỉ có quy mô hạn chế, vốn mỏng nên chưa đủ lực để thực hiện chuyển đối số, ứng dụng công nghệ để phát triển bền vững...Thì nguyên nhân căn cơ và quan trọng nhất là bản thân doanh nghiệp nhận thức chưa đầy đủ và tầm quan trọng của chuyển đổi số.
"Khi trao đổi với các thành viên trong hiệp hội, nhiều doanh nghiệp chia sẻ, chuyển đổi số đòi hỏi phải đầu tư nguồn tài chính tốn kém, yêu cầu về nhân lực công nghệ, nền tảng thiết bị, máy móc...Những điều kiện này, doanh nghiệp chưa đủ nguồn lực để đáp ứng. Bên cạnh đó, không ít lãnh đạo của DNNVV nhận thức chưa chuẩn về chuyển đổi số và tác dụng, ý nghĩa của việc này đối với sự phát triển của doanh nghiệp trong thời đại mới. Họ cho rằng đơn giản chỉ là áp dụng công nghệ", ông Nam phân tích.
Còn theo ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNVVN Hà Nội, tại Hà Nội, nhiều chủ doanh nghiệp mong muốn thực hiện chuyển đổi số nhưng họ lại gặp khó khăn trong việc xác định chiến lược, hướng đi, lộ trình cụ thể....Điều này dẫn đến thực trạng có nhiều doanh nhân mong muốn chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhưng tỷ lệ vào cuộc thực sự thì lại ít.
Là một doanh nghiệp cơ khí lâu năm tại Hoài Đức (Hà Nội), Công ty TNHH Quang Minh đến nay vẫn chưa thực hiện chuyển đổi số toàn diện mà chỉ áp dụng được một số công nghệ trong quản lý và điều hành kế toán. Ông Nguyễn Hữu Trình - Giám đốc công ty chia sẻ với phóng viên VTV Times, doanh nghiệp đã xác định phải thực hiện chuyển đổi số để bắt nhịp với yêu cầu trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, hiện chúng tôi mới chỉ bắt đầu áp dụng với hệ thống quản lý tài chính và nhân công. Thực sự, chúng tôi chưa có chiến lược, kế hoạch và các lộ trình, bước đi cụ thể về vấn đề này.
Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ về vốn và đào tạo nhân lực
Theo ông Mạc Quốc Anh, trên thực tế, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu bắt tay vào thực hiện chuyển đổi số sớm đều đạt được những thành tựu nhất định. Và rõ ràng, họ đã tiến trước các doanh nghiệp khác một bước. "Đầu tư cho chuyển đổi số là phải có, từ hệ thống quản trị, công nghệ máy móc, nhân lực vận hành...Tuy nhiên, kết quả đạt được lại rất lớn. Doanh nghiệp sau chuyển đổi số thành công được hưởng nhiều lợi ích, tiết kiệm được rất nhiều chi phí và có nền tảng phát triển bền vững", ông Anh nhấn mạnh.
Các DNNVV gặp nhiều thách thức và khó khăn trong quá trình chuyển đổi số
Theo các chuyên gia, điều quan trọng nhất là doanh nghiệp phải ý thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số để sớm có những chiếc lược thực hiện. Chuyển đổi số không còn là tầm nhìn xa mà đang ở rất gần, nếu trì hoãn, doanh nghiệp dễ bị thụt lùi lại phía sau. "Doanh nghiệp cần nhận diện và giải quyết được những thách thức phải đối mặt khi thực hiện chuyển đổi số thông qua việc đầu tư thời gian để tìm hiểu, học hỏi, chủ động nắm bắt được những vấn đề cốt lõi để có chiến lược, xây dựng lộ trình, kế hoạch, giải pháp chuyển đổi số", ông Tô Hoài Nam khẳng định.
Cũng theoTổng Thư ký Hiệp hội DNNVV, quá trình chuyển đổi số của DNNVV rất cần sự hỗ trợ, đồng hành của Nhà nước. Các bộ, ngành có thẩm quyền cần rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hỗ trợ DNNVV chuyển đổi số. Cùng với đó, xây dựng quỹ hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, nhằm hỗ trợ chi phí triển khai cho doanh nghiệp. Song song với đó hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực - giải quyết "bài toán" nhiều doanh nghiệp đang loay hoay này.
Bên cạnh đó, để phổ cập thông tin sâu rộng tới cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan chức năng cần tích cực tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tổ chức thực hiện các khóa tập huấn, đào tạo về chuyển đổi số; tuyên truyền về những mô hình chuyển đổi số thành công để lan tỏa tinh thần trong cộng đồng doanh nghiệp.
Mới đây, Hiệp hội DNNVV Việt Nam và Công ty thanh toán điện tử hàng đầu thế giới Visa đã ký kết biên bản ghi nhớ nhằm thúc đẩy chuyển đổi số cho DNNVV. Mục tiêu hướng đến là tập trung nâng cao năng lực và kết nối các DNNVV với các nguồn lực quan trọng như công ty công nghệ, ngân hàng và đội ngũ chuyên gia, thông qua mạng lưới đối tác toàn cầu của Visa. Phù hợp với tầm nhìn đến năm 2030 của Việt Nam hướng tới quốc gia số, sáng kiến này mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khai thác hệ sinh thái số trong hành trình phát triển.
Được biết, năm 2023, Visa đã thúc đẩy số hóa cho 10 triệu DNNVV ở châu Á - Thái Bình Dương. Quỹ Visa đã đầu tư hơn 47 triệu USD để hỗ trợ 2 triệu DNNVV do phụ nữ lãnh đạo và duy trì 500.000 việc làm./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!