Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực: "Tăng trưởng kinh tế cao nhưng vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô"

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 25/05/2018 10:50 GMT+7

VTV.vn -Nhìn nhận về bức tranh kinh tế - xã hội năm 2017 và đầu năm 2018, ông Cấn Văn Lực cho rằng, trong bối cảnh tăng trưởng cao, Việt Nam vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Sáng nay (25/5), trong phiên thảo luận của Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Ngân sách Nhà nước, nhiều đại biểu đã đồng tình, đánh giá cao những kết quả đã đạt được về kinh tế - xã hội năm 2017 và những tháng đầu năm 2018. 

Lần đầu tiên 12/13 chỉ tiêu kinh tế xã hội được đạt và vượt mức Quốc hội giao. Tăng trưởng GDP quý I đạt 7,38%, mức cao nhất 10 năm qua. Có đại biểu còn dùng từ "ngoạn mục" khi nói đến những bước tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Qua đó khẳng định, những nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện các mục tiêu được Quốc hội giao. Chính phủ có quyết tâm cao, còn Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, qua đó mang lại niềm tin cho cử tri và nhân dân.

Nhìn nhận về bức tranh kinh tế - xã hội trong năm vừa qua, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết: "Tôi khá đồng tình với đánh giá của các đại biểu Quốc hội về những mặt được cũng như những mặt chưa được của kinh tế - xã hội Việt Nam trong năm 2017 cũng như những tháng đầu năm 2018. Về mặt tích cực, các đại biểu đã nhấn mạnh có 3-4 điểm cơ bản như cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, đặc biệt kinh tế của Việt Nam tăng trưởng ấn tượng; Chất lượng tăng trưởng đang ở mức tốt hơn, cao hơn.

Tôi xin bổ sung điểm nữa mà chúng ta cần ghi nhận chính phủ trong năm qua và đầu năm nay đó là trong bối cảnh tăng trưởng cao nhưng vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tiền tệ, giá cả, tỷ giá, lãi suất ổn định. Câu chuyện hội nhập của Việt Nam đạt được thành tựu đáng khích lệ.

Về thách thức, có 4 điểm cần lưu ý trong năm qua cũng như năm nay là áp lực lạm phát còn khá cao trong năm nay, chất lượng tăng trưởng chưa cao và bền vững, giải ngân đầu tư công còn chậm, tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm đặc biệt tái cơ cấu ngân sách Nhà nước, nông nghiệp còn nhiều khó khăn".

Trong phiên thảo luận sáng 25/5, bên cạnh những đánh giá tích cực, các đại biểu cũng chỉ ra những khoảng lặng - như lời của đại biểu Hoàng Quang Hàm Phú Thọ, những khó khăn, thách thức và góp ý một số giải pháp nhằm bảo đảm tăng trưởng bền vững. 

Trong đó, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) góp ý cần cụ thể hóa các quy định của luật, tránh tình trạng luật quy định rộng, nhưng đến văn bản dưới luật lại co hẹp lại. Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) đề nghị cần có giải pháp mạnh hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm...

Đặc biệt, nhiều đại biểu đã chỉ ra những bất cập trong đầu tư công như chậm giải ngân vốn đầu tư công; nhiều dự án vẫn còn vượt tổng mức đầu tư; một số địa phương vẫn còn phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng: "Chậm giải ngân vốn đầu tư công khiến nhiều dự án trọng điểm bị chậm, ảnh hưởng nhất định đến tốc độ tăng trưởng kinh tế bởi vốn đầu tư công cũng là một trong những nguồn vốn quan trọng của nền kinh tế. Từ dự án lớn đầu tư công bị chậm kéo theo các dự án khác bị chậm, ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiêp đối với câu chuyện về đầu tư công.  

Để khắc phục vấn đề này, Việt Nam phải thay đổi ở 3 điểm. Thứ nhất, hiện chúng ta đang có luật đầu tư công mới do đó làm rất tốt câu chuyện lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, tuy nhiên, khi thực thi chưa linh hoạt, tương đối cứng nhắc nên nơi giải ngân được, nơi không vì chuyện hết chỉ tiêu hoặc đang vướng mắc. 

Thứ hai, thủ tục liên quan đến giải ngân đầu tư công vẫn phức tạp. Theo tôi được biết, hiện nay có 6-7 vướng mắc về thủ tục. Chính phủ sẽ tập trung xử lý, chỉ đạo trong thời gian tới. Thứ ba, năng lực thực thi, năng lực lập dự án có vấn đề, vì vậy, chênh lệch giữa dự toán với chi phí bị đội lên cao và khâu quyết toán cuối cùng khó khăn".  

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước