CNBC: Không có lý do để phải vội vàng mua cổ phiếu của Apple sau khi chia tách

TTXVN-Thứ ba, ngày 01/09/2020 18:04 GMT+7

VTV.vn - Một trong những lý do thường được dẫn ra nhất cho việc Apple chia tách cổ phiếu là khả năng khích lệ các nhà đầu tư mới.

Tập đoàn công nghệ Apple của Mỹ đã thông báo chia tách cổ phiếu với tỷ lệ 4:1 (có nghĩa là với mỗi cổ phiếu Apple mà nhà đầu tư đang nắm giữ, họ sẽ nhận thêm 3 cổ phiếu) vào cuối tháng 7 và bắt đầu giao dịch cổ phiếu sau khi chia tách từ ngày 31/8.

Apple trở thành tập đoàn đầu tiên đạt giá trị vốn hóa thị trường 2.000 tỷ USD, với mức giá cổ phiếu trước khi chia tách là 500 USD. Giá cổ phiếu của tập đoàn này tăng gần 70% trong năm nay.

Lần chia tách cổ phiếu thứ năm của Apple kể từ khi niêm yết đã khuyến khích các nhà đầu tư mới mua vào, nhưng lịch sử giao dịch của tập đoàn này là điều cần phải chú ý.

Apple đang trải qua một năm thắng lợi, nhưng lần chia tách này được cho là sẽ càng khiến tập đoàn này trở nên hấp dẫn hơn nữa đối với các nhà đầu tư lẻ. Tuy nhiên, lịch sử chia tách cổ phiếu ít ỏi của Apple cho thấy không có lý do gì để phải vội vàng mua cổ phiếu sau khi chia tách với giá "mềm" hơn của tập đoàn.

CNBC: Không có lý do để phải vội vàng mua cổ phiếu của Apple sau khi chia tách - Ảnh 1.

Apple trở thành tập đoàn đầu tiên đạt giá trị vốn hóa thị trường 2.000 tỷ USD.

Apple có bốn lần chia tách cổ phiếu trước đó. Tập đoàn đã chia tách cổ phiếu với tỷ lệ 1:7 vào ngày 9/6/2014, tỷ lệ 1:2 vào ngày 28/2/2005, tỷ lệ 1:2 vào ngày 21/6/2000 và tỷ lệ 1:2 vào ngày 16/6/1987.

Dù việc chia tách nhằm giảm giá cổ phiếu danh nghĩa, cổ phiếu sau điều chỉnh của Apple thường bị bán ra trong một thời gian ngắn. Theo số liệu của nền tảng thông tin giao dịch của các quỹ dự phòng Kensho, hai tuần sau các lần chia tách trước, giá cổ phiếu của Apple mất trung bình 5,6%.

Một trong những lý do thường được dẫn ra nhất cho việc Apple chia tách cổ phiếu là khả năng khích lệ các nhà đầu tư mới. Tuy nhiên, các nhà đầu tư lớn đang giao dịch cổ phiếu có thể vẫn có ảnh hưởng lớn hơn đến mức giá. Môi trường thị trường cũng là điều quyết định, với ảnh hưởng đến giao dịch sau các lần chia tách trước đó của Apple.

Người phụ trách chiến lược đầu tư tại CFRA, Sam Stovall, gần đây lưu ý rằng sau lần chia tách vào năm 2014, giá cổ phiếu của Apple tăng 36% trong năm sau đó, nhưng sau lần chia tách vào năm 2000, khi bong bóng công nghệ vỡ, giá cổ phiếu của tập đoàn mất 60%.

Giá cổ phiếu của Apple tăng hơn 30% kể từ khi thông báo lần chia tách mới nhất vào cuối tháng 7. Ông Stovall cho rằng lần chia tách này sẽ duy trì đà tăng giá cổ phiếu của tập đoàn.

Khả năng đi lên trong dài hạn đối với giá cổ phiếu của Apple dựa trên lòng tin vào sự cải thiện nền tảng kinh doanh.

Nhà phân tích Daniel Ives thuộc Wedbush Securities gần đây đã nâng dự báo giá cổ phiếu của tập đoàn này từ 515 USD lên 600 USD, nhờ nhu cầu thay thế điện thoại đạt cực điểm trước sự ra đời của iPhone 12 trong 12-18 tháng tới, với gần 350 triệu trong số 950 triệu iPhone trên toàn cầu đã sẵn sàng cho việc nâng cấp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước