Một con số có vẻ vô lý, nhưng CNN Money đưa ra dẫn chứng, một loại dầu thô được khai thác ở phía Tây Canada giờ đang giao dịch ở ngưỡng 20 USD/thùng. Và thực tế giá dầu đã có lúc xuống đến mức thấp như vậy vào đầu năm 1999. Có lẽ giá dầu rơi xuống mức 15 USD/thùng sẽ chỉ là giả thuyết cho một viễn cảnh xấu nhất.
Tương lai gần, chuyện gì đang xảy ra với giá dầu?
Đó chính là cuộc chạy đua chiếm thị phần nên tạo ra hiện tượng cung vượt cầu. Tháng 6 vừa rồi, Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu lớn nhất OPEC đã có lúc xuất khẩu tới hơn 10 triệu thùng dầu/ngày, mức cao nhất thế giới. Còn Mỹ, dù đã điều chỉnh giảm sản lượng nhưng lượng khai thác hiện vẫn ở ngưỡng 9,3 triệu thùng/ngày.
Số dầu Mỹ khai thác được không phải tất cả đều xuất khẩu, nhưng nó lại đổ vào thị trường tiêu thụ dầu lớn nhất và có ảnh hưởng nhất thế giới chính là Mỹ.
Mỹ thì ngập trong dầu chỉ còn chờ người khổng lồ khác “uống bớt” là Trung Quốc thì lại đang ốm yếu. Tại Mỹ, các nhà đầu tư ví kinh tế Trung Quốc như cầu thủ bóng rổ Micheal Jordan, cầu thủ này đã có lúc bật cao kéo cả quả bóng dầu lên, nhưng hiện anh ta đang bị đau mắt cá chân nên chả còn màng gì nữa. Vì thế dầu trở nên dư thừa!
Vậy đâu sẽ là ngưỡng các nước chịu điều chỉnh giảm?
Thật khó để khẳng định chính xác lúc này. Nhưng nói như một quan chức Saudi Arabia là nếu giảm xuất khẩu thì họ sẽ tuột mất thị phần dầu về tay các đối thủ khác mà trực tiếp đang là Mỹ.
Còn Mỹ không thể giảm nhiều vì ngành khai thác dầu đá phiến đang bùng nổ. Theo tính toán, miễn giá dầu ở ngưỡng trên 42 USD/thùng thì các công ty dầu đá phiến của Mỹ sẽ vẫn còn có lãi và sống được. Hiện dầu vẫn ở ngưỡng 40 USD, chưa phải là ngưỡng mà các đối thủ của Mỹ mong muốn. Vậy nên nhiều chuyên gia trên thị trường đang thiên về mức đáy 30 USD/thùng nhiều hơn.
Điều gì sẽ xảy ra nếu dầu xuống thấp?
Trước tiên sẽ là sự ăn mừng của người tiêu dùng. Không chỉ những người đi ô tô, xe máy mừng mà cả những người thường xuyên đi lại bằng đường hàng không. Còn buồn nhất chắc sẽ là các công ty khai thác dầu, đặc biệt là dầu đá phiến của Mỹ. Theo dự đoán, nếu dầu xuống tới ngưỡng 30 USD/thùng sẽ nhiều công ty tuyên bố phá sản, nhưng khi đó sẽ nổi lên một thời kỳ mua bán và sáp nhập mới.
Còn theo tính toán của Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF, trong cuộc đua thị phần này, Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh sẽ để mất khoản doanh thu khoảng 300 tỷ USD riêng trong năm nay (tương đương với GDP của nền kinh tế xếp khoảng thứ 30 thế giới là Nam Phi hiện giờ).
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.