Vượt bão "COVID-19", bứt phá cuối năm, cơ hội xuất nhập khẩu vượt mốc 600 tỷ USD

PV-Thứ ba, ngày 30/11/2021 11:36 GMT+7

VTV.vn - Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang đứng trước cơ hội đưa kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc kỷ lục 600 tỷ USD trong năm nay.

Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, doanh nghiệp có thể chuyển hướng mở rộng thị trường nhờ xuất khẩu qua thương mại điện tử. Thông tin mới được các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm "Bứt phá doanh thu cuối năm - Lối đi nào cho các doanh nghiệp xuất khẩu?"

Vượt bão COVID-19, bứt phá cuối năm, cơ hội xuất nhập khẩu vượt mốc 600 tỷ USD - Ảnh 1.

34 mặt hàng có giá trị xuất khẩu tỷ đô

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/11/2021, lũy kế 11 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 599,12 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt  299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, sau 6 tháng liên tục nhập siêu, cán cân thương mại đã trở lại “vị thế” xuất siêu với 125 triệu USD. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế sau khi trở lại với trạng thái bình thường mới. Tại tọa đàm, Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhấn mạnh: "Trong bối cảnh kinh tế bị tác động mạnh bởi dịch COVID-19, xuất nhập khẩu dự kiến năm nay sẽ hơn 600 tỷ USD, tức là cao hơn gấp đôi GDP của nền kinh tế. Rõ ràng là xuất khẩu đã đạt được kỳ tích, không chỉ về số lượng mà cả chất lượng. Chúng ta có 31 mặt hàng (số liệu tháng 10/2021) có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, 6 nhóm hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Đây là những con số có ý nghĩa cho sự phục hồi của kinh tế".

Theo số liệu thống kê mới nhất của tổng cục thống kê, trong 11 tháng năm 2021, số lượng mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu đã nâng từ 31 lên 34 mặt hàng, trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm 93,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,4%). Những ngành hàng xuất khẩu có thế mạnh như điện thoại, điện tử, máy móc, linh kiện… tiếp tục được dự báo có thể tăng trưởng khoảng 15-25% năm nay.

Việc thực thi hiệp định thương mại tự do cũng tạo ra nhiều cơ hội về xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU vẫn tăng trên 6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 39 tỷ USD. Bên cạnh đó là Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2022 tới đây, cũng mở ra nhiều cơ hội cho hàng hoá Việt Nam.

Vượt bão COVID-19, bứt phá cuối năm, cơ hội xuất nhập khẩu vượt mốc 600 tỷ USD - Ảnh 2.

Để vượt qua được những thách thức từ dịch bệnh, Ông Trần Văn Lê, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Cơ điện và Thương Mại Phương Linh nhận định sự chủ động của doanh nghiệp cực kỳ quan trọng. Ông cho rằng: "COVID-19 là phép thử lớn với chủ doanh nghiệp. Thời gian qua ta thấy thách thức từ đứt gãy chuỗi cung ứng, về sự thiếu hụt container, thiếu hụt nhân lực.... Đó là tình hình chung, nhưng bản thân doanh nghiệp phải kết nối để làm cho đối tác hiểu được, chia sẻ được tình huống đó cùng với doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải chú trọng tới quan hệ với nhà cung cấp, nếu nhà cung cấp đồng hành chia sẻ thì họ sẽ giãn nợ thanh toán, hoặc đồng ý tạm ứng trước, còn ngân hàng thì có thể giảm lãi Người chủ của doanh nghiệp cần phải cân đối được dòng tiền, làm sao có khoản bù đắp được thiếu hụt. Cái gì cần cắt được thì cắt thẳng tay, và lựa chọn ưu tiên: ưu tiên lương của người lao động, lãi phải trả đến hạn...".

Đồng hành cùng doanh nghiệp, Ông Nguyễn Trọng Tĩnh - Giám đốc Trung tâm Kênh phân phối và bán hàng, Ngân hàng Doanh nghiệp - Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cho biết: "Nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng lên nhưng các doanh nghiệp lại gặp khó khăn về tài sản thế chấp cho ngân hàng. Vậy giải pháp nào cho doanh nghiệp để vượt qua cái khó khăn này, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp xuất nhập khẩu có nhiều tiềm năng bứt phá? Ngân hàng chúng tôi nhận thấy vấn đề này nên đã có 1 gói giải pháp từ hỗ trợ vốn, tới ưu đãi lãi suất, phí, tới hồ sơ chứng từ và các trải nghiệm thanh toán số nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp. Đơn cử hạn mức cho vay tín chấp có thể lên tới 200 tỷ đồng, và số tiền vay có thể tới 100 tỷ đồng, đảm bảo bằng các hợp đồng đầu ra. Đặc biệt, nếu vay bằng đồng USD, lãi suất cho vay chỉ từ 2,5%/năm, còn vay tiền đồng là từ 5,5%/năm". Ngoài ra, MSB cũng giảm 30% phí tài trợ thương mại, và miễn toàn bộ phí chuyển tiền trực tuyến khi doanh nghiệp có nhu cầu thanh toán, chuyển khoản cho các đối tác.

Vượt bão COVID-19, bứt phá cuối năm, cơ hội xuất nhập khẩu vượt mốc 600 tỷ USD - Ảnh 3.

Cơ hội từ xuất khẩu qua thương mại điện tử

Dịch COVID-19 làm gián đoạn hoạt động vận chuyển, đi lại. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu không thể tham dự các hội chợ xúc tiến thương mại quốc tế nên đã chuyển hướng tìm cách xuất khẩu qua thương mại điện tử. Theo số liệu từ Alibaba, trong giai đoạn dịch bệnh, số lượng khách hàng tham gia mua hàng trên nền tảng Alibaba tăng 100%, số lượng đơn hàng tăng hơn 170%, tổng giá trị giao dịch tăng 125%. Những mức tăng trưởng 3 chữ số này cho thấy nhu cầu của người tiêu dùng không mất đi mà chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến.

Ông Phùng Văn Sâm, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Hanfimex cho biết đã kết nối được hơn 50 đối tác mới qua gian hàng trên trang Alibaba. Theo ông Sâm, ông thường xuyên họp online với đối tác để giới thiệu cho họ về nhà máy, về dây chuyền sản xuất và khả năng đáp ứng đơn hàng của doanh nghiệp. Ông cho biết: "Trước đây mình đi hội chợ gặp khách trực tiếp, mời họ tới nhà máy xem tận nơi, thì nay bản thân khách họ tận dụng công nghệ để kiểm tra năng lực, các chứng chỉ, tiêu chuẩn quốc tế từ xa. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp có năng lực, khi đáp ứng được nhu cầu của khách hàng cần. Ví dụ, doanh nghiệp phải đủ các chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm, về đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn của thị trường EU hay Mỹ, hoặc Nhật Bản....".

Ông Vũ Thế Tùng, Giám đốc Phát triển Thị trường và Quan hệ Chính phủ - Alibaba.com Việt Nam nhấn mạnh: "Việt Nam có nhiều lợi thế như dân số trẻ, giá thành lao động, nguyên phụ liệu cạnh tranh, các sản phẩm của Việt Nam có lợi thế về tỷ lệ giữa chất lượng với giá thành, đặc biệt trong ngành thực phẩm, đồ uống, hoá mỹ phẩm, nông sản, thời trang, nội ngoại thất… Đây là danh mục các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế cạnh tranh cao cũng như được các nhà mua hàng trên Alibaba quan tâm tìm mua. Alibaba.com hiện có 26 triệu nhà mua hàng chuyên nghiệp đến từ Hoa Kỳ, EU, Anh… Qua đó nhà xuất khẩu có cơ hội tận dụng thị trường để kinh doanh sản phẩm made in Vietnam…".

Đơn vị này cũng cho biết đang cùng với Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, và Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng sẽ phối hợp tổ chức các tọa đàm hội thảo hướng dẫn các doanh nghiệp Việt Nam xuất nhập khẩu trên sàn thương mại điện tử với các giải pháp tài chính và thanh toán quốc tế an toàn, hiệu quả ở nhiều địa phương. Đặc biệt, các doanh nghiệp có thể được hoàn tiền 10% khi thanh toán phí thành viên trên sàn Alibaba.com thông qua ngân hàng MSB.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước