Cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài hiện nay

P.V-Thứ tư, ngày 21/06/2023 16:55 GMT+7

VTV.vn - Bên cạnh làn sóng các nhà đầu tư trong nước quay trở lại thị trường, các nhà đầu tư nước ngoài đang đánh giá như thế nào về cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam?

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn những khó khăn và thách thức nhất định, nền kinh tế Việt Nam đã vươn lên với mức tăng trưởng 3,32%, trong khi nhiều nền kinh tế khác bị suy giảm tăng trưởng. Hiện, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam cũng đang thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ như giảm lãi suất, thúc đẩy đầu tư công, tháo gỡ những vướng mắc trên thị trường trái phiếu, giãn hoãn nợ cho doanh nghiệp…, giúp cho nền kinh tế gia tăng đà tăng trưởng trong những quý tiếp theo. Trên thị trường chứng khoán, trong tháng 5, số lượng nhà đầu tư mở mới tài khoản chứng khoán đã tăng kỷ lục và xu hướng này vẫn đang tiếp tục tăng trong tháng 6. Bên cạnh đó, thị trường cũng đã có xuất hiện trở lại những phiên giao dịch tỷ USD.

Vậy bên cạnh làn sóng các nhà đầu tư trong nước quay trở lại thị trường thì các nhà đầu tư nước ngoài đang đánh giá như thế nào về các cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam hiện nay?

Cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài hiện nay - Ảnh 1.

BTV Mùi Khánh Ly: Như các ông cũng đã thấy, hiện chính sách thắt chặt tiền tệ của các nước đang dần hạ nhiệt, FED cũng đã tạm dừng tăng lãi suất… theo các ông những yếu tố này sẽ hỗ trợ như thế nào cho kinh tế thế giới?

Ông Huang Bo, Giám đốc điều hành Công ty CP Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam): Theo số liệu mới nhất, chỉ số CPI của Mỹ trong tháng 5 đã giảm xuống còn 4% so với cùng kỳ năm trước, mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua. Hiện nay, có một số dấu hiệu tích cực cho thấy lạm phát toàn cầu đang giảm dần và lãi suất không còn tăng mạnh nữa, cũng như đồng đô la Mỹ sẽ không còn mạnh như năm ngoái. Đây là một điều kiện rất quan trọng để hỗ trợ dòng vốn quốc tế trở lại các thị trường mới nổi như Việt Nam, cũng như sẽ giúp thúc đẩy dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam. Tuy nhiên, thế giới có thể sẽ phải đối mặt với thách thức mới đó là suy thoái kinh tế. Ví dụ như ở Mỹ, dấu hiệu suy thoái là một trong những yếu tố khiến FED giảm tốc độ tăng lãi suất, mặc dù lạm phát vẫn đang cao hơn so với mục tiêu.

Ông Louis Nguyễn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CTQLQ Saigon Asset Management (SAM): Như chúng ta đã thấy, nhiệt độ về lạm phát đã giảm xuống rồi nhưng đối với FED bên Mỹ thì mới tạm dừng chứ chưa đủ để mà nói là sẽ không tăng lãi suất nữa. Họ đang có mục tiêu soft landing là hạ cánh một cách an toàn để không có ảnh hưởng tiêu cực cho kinh tế Mỹ và cùng lúc kiểm soát được lạm phát. Tôi nghĩ, hiện các tín hiệu về nền kinh tế Mỹ và FED đang đi đúng đường. Tuy nhiên, những khó khăn nhất định vẫn còn nên tôi nghĩ tại Việt Nam, chúng ta vẫn nên tiết giảm chi phí và chi tiêu cho đến cuối năm, sang năm thì mọi thứ sẽ dần lạc quan hơn.

BTV Mùi Khánh Ly: Trong bối cảnh vẫn còn khó khăn như vậy, nền kinh tế Việt Nam cũng đã phục hồi nhanh sau dịch và tiếp tục tăng trưởng tích cực trong những tháng đầu năm 2023, các ông đánh giá như thế nào về điều này?

Ông Louis Nguyễn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CTQLQ Saigon Asset Management (SAM): Tôi nghĩ các chính sách nhà nước đã đưa ra, ví dụ như thúc đẩy mạnh đầu tư công, giảm thuế giá trị gia tăng và giảm lãi suất cho vay...  rất tốt cho thị trường Việt Nam và qua đó hỗ trợ cho Việt Nam tiếp tục tăng trưởng đạt khoảng 6,5% GDP như mục tiêu đã đề ra trong năm nay. Nhưng chúng ta cũng phải xem lại báo cáo tài chính của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán trong quý I, con số này còn chưa được đẹp lắm, đã giảm 18% lợi nhuận so với quý trước đó. Nhưng mà từ bây giờ đến cuối năm vẫn còn ba quý nữa thì chúng ta sẽ chờ thêm. Tôi nghĩ là mọi người cũng đang chờ đợi các vấn đề về trái phiếu, vấn đề về bất động sản được giải quyết xong…và khi mà giải quyết xong các vấn đề này thì thị trường sẽ bùng nổ trở lại. Theo chúng tôi, trong thời gian tới một số ngành sẽ phục hồi nhanh hơn các ngành khác, ví dụ như bất động sản, đặc biệt là bất động sản khu công nghiệp, giá cổ phiếu bất động sản đã giảm từ 50% tới 80% rồi tôi nghĩ cuối năm, tới đầu năm sau sẽ phục hồi.

Ông Huang Bo, Giám đốc điều hành công ty CP Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam): Nền kinh tế mở của Việt Nam mặc dù có sự chậm lại do nhu cầu toàn cầu yếu đi, tuy nhiên, tăng trưởng GDP vẫn duy trì ở mức tích cực. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã thực hiện các biện pháp khác nhau để hỗ trợ nền kinh tế, như giảm lãi suất 4 lần, giúp gia hạn nợ cho ngành bất động sản, hay thúc đẩy đầu tư công. Nếu Việt Nam có thể giải quyết các điểm nghẽn trong tương lai gần, khả năng cao có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng như đã đề ra. Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn, việc thúc đẩy đầu tư công của chính phủ sẽ đóng vai trò rất quan trọng. Trong 5 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 30% kế hoạch. Đây sẽ là một nguồn lực quan trọng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm 2023. Các yếu tố khác như chi tiêu tiêu dùng vẫn tiếp tục mạnh mẽ trong năm nay, trong 5 tháng đầu năm, doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đã tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, yếu tố này cũng sẽ tạo nền tảng tốt cho kinh tế trong phần còn lại của năm 2023.

BTV Mùi Khánh Ly: Với những yếu tố tích cực về kinh tế Việt Nam và thị trường chứng khoán cũng đang phục hồi tích cực, nhưng tại sao thời gian gần đây các nhà đầu tư nước ngoài lại bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, theo các ông?

Ông Huang Bo, Giám đốc điều hành công ty CP Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam): Trên thực tế, đà mu get a mạnh của các nhà đầu tư nước ngoài tập trung vào giai đoạn thị trường gặp áp lực điều chỉnh sâu, vốn chủ yếu đến từ các quỹ ETF. Đến thời điểm hiện tại, VN-Index đã có sự phục hồi ấn tượng, tăng hơn 25% so với đáy. Vì thế, trong ngắn hạn, nhiều nhà đầu tư có thể đã thu được lợi nhuận tốt và áp lực chốt lời diễn ra ở các quỹ ETF cũng là điều dễ hiểu.

Cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài hiện nay - Ảnh 2.

Ông Huang Bo, Giám đốc điều hành công ty CP Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam).

Tuy nhiên, nếu nhìn về dài hạn, chỉ số PE của thị trường hiện khoảng 13,7 lần, PB là 1,7 lần, nếu so với mức PE trung bình trong 10 năm qua là 15 lần và PB 2,2 lần thì mức định giá thị trường hiện vẫn đang hấp dẫn. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần cắt giảm lãi suất sẽ giúp dòng vốn chảy vào thị trường. Và dữ liệu lịch sử cho thấy, giá trị thị trường chứng khoán thường tăng trong các giai đoạn như vậy.

Ông Louis Nguyễn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CTQLQ Saigon Asset Management (SAM): Tôi nghĩ là có hai lý do. Một là trong báo cáo tài chính quý I công ty niêm yết, như tôi đã nói là giảm khoảng chừng 18% so với quý trước đó, cùng lúc các quỹ ETF gần đây, các thị trường của họ cũng bán ròng thì cũng ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam. Nhưng nói chung con số bán ròng không có đáng kể và tôi nghĩ là cần phải tiếp tục theo dõi theo quý II như thế nào. Nhưng tôi đánh giá đó chỉ là động thái tạm thời thôi, nó không có ảnh hưởng đáng kể đến thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài bán ra thì cũng có người có chiến lược giữ tiền mặt, nhưng còn những người muốn đầu tư tiếp thì trong bối cảnh này họ chuyển về những thị trường khác và sẽ chuyển vào đâu? Việt Nam vẫn đang là một điểm đến hấp dẫn. Theo tôi nghĩ, họ sẽ chờ đợi những dấu hiệu tốt dần lên rồi quay trở lại sớm thôi.

BTV Mùi Khánh Ly: Vậy theo các ông, nền kinh tế Việt Nam sẽ như thế nào trong thời gian tới?

Ông Louis Nguyễn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CTQLQ Saigon Asset Management (SAM): Theo tôi, GDP Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng khoảng 6,5% năm nay nhờ những động thái hỗ trợ từ phía Chính phủ liên quan đến đầu tư công, liên quan đến giảm thuế, giảm lãi suất cho vay… cùng lúc tôi cũng nhận thấy là số lượng nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam không phải chỉ theo thị trường chứng khoán và số lượng rất nhiều những công ty khác đang muốn chuyển nhà máy vào Việt Nam. Mới từ hôm qua, tôi đã gặp 3 - 4 nhà đầu tư nước ngoài muốn chuyển nhà máy vào Việt Nam. Tôi nghĩ đó là những dấu hiệu tích cực cho Việt Nam trong những năm sắp tới. Việt Nam là một nước đang phát triển không chỉ về GDP, mà còn có một vị trí chiến lược trong Đông Nam Á. Những cảng biển của mình với lao động trẻ làm việc năng suất, có hiệu quả, cũng như chi phí hoạt động ở Việt Nam còn thấp hơn Trung Quốc nhiều… Mỗi lần tôi đi nước ngoài nói chuyện với nhà đầu tư nước ngoài thì họ rất yêu thích và mong muốn đầu tư vào Việt Nam. Vấn đề bây giờ là làm sao có những chính sách để mà tiếp tục thu hút họ, hỗ trợ thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản của Việt Nam…

Cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài hiện nay - Ảnh 3.

Ông Huang Bo, Giám đốc điều hành công ty CP Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam): Trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế ở các nước khác, Việt Nam vẫn sẽ gặp một số tác động nhưng được dự báo sẽ duy trì tăng trưởng. Năm 2023, dự kiến tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 5,8% và tăng tốc lên 6,9% trong năm 2024, và là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á, nhanh hơn cả Ấn Độ và Philippines.

Và trong vòng 5 đến 10 năm tới, Việt Nam được coi là một quốc gia trẻ và đông dân với hơn 100 triệu dân, độ tuổi trung bình chỉ 33 tuổi. Đồng thời, với hơn 3.200 km bờ biển là lợi thế địa lý lớn trong thương mại nhập khẩu và xuất khẩu. Hiện, tỉ lệ đô thị hóa của Việt Nam đang là 38%, thấp hơn so với các nước đang phát triển khác như 52% của Thái Lan và 62% của Trung Quốc. Với tất cả các con số và bối cảnh này, chúng tôi tin rằng nền kinh tế Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển, với GDP sẽ tăng trưởng khoảng 7% hàng năm trong một thập kỷ tới.

BTV Mùi Khánh Ly: Với nhận định của các ông thì đâu là những cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam hiện nay?

Ông Louis Nguyễn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CTQLQ Saigon Asset Management (SAM): Công việc của các quỹ đầu tư chúng tôi là đi săn những ngành nghề, những công ty tốt mà có giá thấp hơn thị trường, những công ty kinh doanh những ngành cốt lõi của Việt Nam, ví dụ như ngân hàng, bất động sản, đặc biệt là bất động sản công nghiệp. Bất động sản thì chúng tôi đang nhìn vào những công ty có tên tuổi, có thương hiệu trên thị trường. Chúng tôi nghĩ một số vấn đề trong thời gian qua sẽ sớm muộn cũng sẽ được giải quyết và nó sẽ phục hồi, nếu mà không trong năm nay thì đầu năm sau. Đặc biệt là những công ty có thương hiệu, làm sổ đỏ sớm, minh bạch, rõ ràng thì những công ty đó sẽ được sự yêu chuộng của nhà đầu tư nước ngoài khi thị trường phục hồi. Thứ hai, chúng tôi thích những ngân hàng giá hiện vẫn đang còn thấp. Thứ thứ ba, chúng ta có thể chú ý đến sự phục hồi về ngành du lịch, hi vọng khách du lịch Trung Quốc và khách du lịch Nga sẽ sớm trở lại nhiều hơn khi đó thị trường du lịch sôi động trở lại.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang được định giá P/E, PB đang thấp và hấp dẫn… Thời điểm này tôi nghĩ là thời điểm để đầu tư vào và nhà đầu tư phải kiên nhẫn khoảng chừng 6 tháng đến 9 tháng thì sẽ có được sự tăng trưởng của thị trường.

Ông Huang Bo, Giám đốc điều hành công ty CP Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam): Trong ngắn hạn, thị trường đang dần phục hồi và trở nên tích cực hơn vào cuối năm. Nếu nhìn vào một số ngành chủ chốt như ngân hàng, tiêu dùng, lợi nhuận của các nhóm này vẫn mạnh mẽ so với các ngành khác trong năm nay, nhưng lại đang có mức định giá không quá đắt so với lịch sử.

Trong dài hạn, chúng ta thấy có một số mô hình tăng trưởng tương tự giữa Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Việt Nam. Một số nghiên cứu cho thấy lợi nhuận từ thị trường chứng khoán có mối tương quan cao với tăng trưởng GDP, đặc biệt, khi GDP bình quân đầu người vượt quá 10.000 USD. Chúng ta có thể nhìn vào Hoa Kỳ trong thập kỷ 1970, Nhật Bản trong thập kỷ 1980, và Hàn Quốc trong thập kỷ 1990 thì thấy lợi nhuận từ thị trường chứng khoán tăng nhanh hơn tăng trưởng GDP. Và với mục tiêu GDP bình quân đầu người khoảng 10.000 USD vào năm 2035 của Việt Nam, VN-index có thể theo cùng mô hình như Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc Hoa Kỳ, đi sau gần 10 năm phát triển, có thể tăng khoảng 3 lần đạt 3.000-3.500 điểm.

BTV Mùi Khánh Ly: Cũng là những thành viên tham gia vào thị trường Việt Nam, công ty các ông sẽ có những đóng góp như thế nào cho sự phát triển của thị trường nói chung, cũng như góp phần thúc đẩy dòng vốn ngoại vào thị trường Việt Nam nhiều hơn?

Ông Huang Bo, Giám đốc điều hành công ty CP Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam): Công ty chúng tôi là một trong ba ngân hàng đầu tư và tập đoàn tài chính lớn nhất của Trung Quốc và có hơn 300 chi nhánh trên toàn thế giới nên có mối liên kết mạnh mẽ với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Chúng tôi đang giúp nhiều nhà đầu tư và công ty Trung Quốc tìm hiểu thị trường Việt Nam và hỗ trợ họ đầu tư vào Việt Nam. Trong năm 2023, chúng tôi nhận thấy nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam và nhận được nhiều yêu cầu muốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Chúng tôi rất tự tin rằng chúng tôi sẽ là cầu nối hiệu quả giữa hai thị trường vốn của Việt Nam và Trung Quốc.

Ông Louis Nguyễn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CTQLQ Saigon Asset Management (SAM): Từ bốn năm nay chúng tôi tập trung vào vấn đề phát triển vững bền, về ESG, môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp. Bởi vì chúng tôi nhận thấy số vốn từ nước ngoài muốn đầu tư vào lĩnh vực này rất khổng lồ. Vấn đề là một số người sẽ nghĩ đó chỉ là trào lưu, đó chỉ là green washing rửa cho xanh để cho nó phù hợp thôi. Nhưng mà đó không phải là một cái trào lưu mà nó sẽ tồn tại mãi mãi và những công ty tôn trọng về môi trường xã hội, về phụ nữ, về môi trường xanh, năng lượng xanh và quản trị kinh doanh, quản trị doanh nghiệp thì họ sẽ được nguồn vốn rất lớn từ bên ngoài. Đó là những điều chúng tôi đang cố gắng để mà đẩy mạnh trên thị trường Việt Nam. 

Ngoài ra, đối với thị trường Việt Nam, để thu hút thêm nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài thì các doanh nghiệp cần nâng cao về quản trị doanh nghiệp, có báo cáo tài chính, báo cáo thường niên, công bố thông tin cần phải minh bạch hơn nữa, phải có công bố song ngữ, có tiếng Anh và tiếng Việt. Và tiếp theo cần giải quyết vấn đề mâu thuẫn giữa cổ đông lớn và cổ đông nhỏ, dù nhà đầu tư có cầm một cổ phiếu thì cũng phải có quyền trao đổi và nói chuyện với các lãnh đạo doanh nghiệp chứ không phải là chỉ có cổ đông lớn mới có quyền. Và cuối cùng về vấn đề nới "room" cho nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay, những công ty hấp dẫn đã đầy room rồi thì rất khó để các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào. Chúng tôi mong muốn cơ quan quản lý xem xét lại các ngành nghề và các sản phẩm về tài chính để mở rộng hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài để đầu tư vào Việt Nam một cách mạnh mẽ hơn.

BTV Mùi Khánh Ly: Xin cảm ơn các ông về những thông tin trên!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước