Không có Hoa Kỳ, CPTPP vẫn là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có tiêu chuẩn cao
Phát biểu tại Hội thảo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với chủ đề "Các cam kết cơ bản – Những lưu ý cho doanh nghiệp", ông Trần Quốc Khánh cho biết hiện đang có một sự hiểu lầm lớn về mức độ tham vọng cũng như tiêu chuẩn của CPTPP.
Ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế
"Hiện nay một số ý kiến cho rằng CPTPP có mức độ tham vọng, tiêu chuẩn thấp hơn rất nhiều so với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP trước đây vì các nước thành viên thống nhất với nhau tạm hoãn thực thi một số nghĩa vụ quan trọng. Đây là một sự hiểu lầm lớn", ông Khánh cho biết.
Theo ông Khánh, toàn bộ các cam kết về mở cửa thị trường của Hiệp định TPP cũng như tuyệt đại đa số các nội dung quan trọng khác bao gồm các lĩnh vực truyền thống, phi truyền thống vẫn được giữ nguyên trong CPTPP.
Những điểm khác biệt chính về nội dung giữa CPTPP và TPP
"CPTPP vẫn là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có tiêu chuẩn cao. Hiệp định này không chỉ tạo ra một nền tảng quan trọng cho hoạt động giao thương và đầu tư trong khu vực mà còn là một sự khích lệ rất lớn đối với tiến trình tự do hóa thương mại đang gặp nhiều trắc trở hiện nay", ông Khánh khẳng định.
Theo ông Khánh, khả năng hiệp định CPTPP được ít nhất là 6 nước thành viên phê chuẩn vào cuối năm 2018, để có hiệu lực vào đầu năm 2019 là rất cao. Do đó cơ hội và thách thức từ CPTPP đã trở nên gần hơn bao giờ hết.
Thay đổi, cơ hội và thách thức từ CPTPP
Cơ hội nhiều song thách thức cũng không ít là khẳng định của ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI khi đề cập đến viễn cảnh của nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp Việt Nam khi mà CPTPP chính thức có hiệu lực.
"Không có Hoa Kỳ, nhiều vấn đề đã thay đổi so với TPP mà chúng ta đã đàm phán trước đây. Sự thay đổi này tất nhiên không chỉ ở những điều kiện quy định có hiệu lực của hiệp định hay ở một nhóm 20 các cam kết tạm hoãn thực thi", ông Lộc cho biết.
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI
Ở góc độ thể chế, CPTPP đã tạm hoãn một số nghĩa vụ phức tạp trong TPP. Đặc biệt trong một số khía cạnh về sở hữu trí tuệ, tranh chấp Nhà nước - nhà đầu tư nước ngoài... Theo ông Lộc, điều này chắc chắn sẽ giúp Việt Nam và các nước có thêm thời gian điều chỉnh và thích ứng ở các lĩnh vực liên quan. Tuy vậy, trong tổng thể, những đòi hỏi về cải cách thể chế từ CPTPP hầu như không bị ảnh hưởng. Áp lực cho việc sửa đổi, cải cách thể chế kinh tế đối với Việt Nam cũng không đổi.
Cũng theo ông Lộc, trong TPP, chúng ta nói nhiều tới cơ hội xuất khẩu của ngành dệt may, giày dép, nông sản ở thị trường lớn Hoa Kỳ. Nhưng tại CPTPP, những cái tên tiềm năng khác lại được nêu hàng đầu, như thực phẩm, đồ uống, thuốc lá… Trong các lĩnh vực khác như dịch vụ, đầu tư, mua sắm công… mặc dù thay đổi có thể không lớn như trong xuất khẩu, nhưng cũng là đáng kể.
Việc phổ biến tuyên truyền các nội dung cam kết của CPTPP, cùng với những tác động và thay đổi của CPTPP trong bối cảnh mới là rất cần thiết để các doanh nghiệp hoạch định tốt hơn mục tiêu kinh doanh của mình ở và với các thị trường.
"Không phải không có ý kiến quan ngại về việc các lợi ích xuất khẩu giảm sút có thể làm giảm sút động lực để cải cách và thay đổi. Tin mừng là động lực của cải cách thể chế từ CPTPP có thể từ chính các lợi ích mà cải cách thể chế mang lại, nhóm lợi ích được đánh giá là lớn nhiều lợi ích thuế quan", ông Lộc cho biết.
Theo một nghiên cứu của Nhật Bản, đối với trường hợp của Việt Nam, những lợi ích từ thuế quan trong CPTPP chỉ giúp GDP của chúng ta tăng 1,1%, chưa bằng 1/6 lợi ích mà TPP hứa hẹn; nhưng lợi ích từ cải cách thể chế (mà chỉ xét về các hàng rào phi thuế) mà CPTPP mang lại cho GDP Việt Nam gần như bằng với TPP, giúp GDP tăng khoảng 10%.
"Vấn đề đặt ra với tất cả chúng ta là làm sao cải cách thể chế kinh tế theo yêu cầu của CPTPP cộng hưởng với những cải cách môi trường kinh doanh mà Chính phủ đang thúc đẩy. Làm sao để cả các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp cùng vào cuộc, để cả hệ thống cải cách một cách thực chất, toàn diện và hiệu quả. CPTPP là cơ hội, cũng là sức ép, là tiêu chuẩn để chúng ta cải cách vì lợi ích và nhu cầu của chính mình", ông Lộc phân tích.
Hội thảo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với chủ đề "Các cam kết cơ bản – Những lưu ý cho doanh nghiệp" đã thu hút rất đông sự tham dự của các doanh nghiệp cũng như báo chí
Theo ông Lộc, trong một chừng mực nhất định, thách thức này cũng đặt ra đối với các cơ quan Nhà nước liên quan phải có quyết tâm tổ chức thực thi thuận lợi và thông suốt, để doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa các cơ hội thị trường; và phải minh bạch, tham vấn cùng doanh nghiệp trong quá trình rà soát pháp luật, nội luật hóa và thực thi các cam kết CPTPP một cách thích hợp.
Với các doanh nghiệp cũng cần chủ động tiếp cận các thông tin về hội nhập, chủ động sát cánh cùng Chính phủ để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo những yêu cầu của các Hiệp định thương mại tự do. Chủ động thay đổi mô hình kinh doanh, xây dựng chiến lược, chương trình hành động của doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu, bối cảnh của hội nhập là rất quan trọng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!