Có nên làm cầu Trần Hưng Đạo theo hình thức BOT?

VTV Digital-Thứ tư, ngày 22/09/2021 11:33 GMT+7

VTV.vn - UBND TP Hà Nội vừa chấp thuận giao chủ đầu tư đề xuất chủ trương đầu tư dự án cầu Trần Hưng Đạo vượt sông Hồng theo hợp đồng BOT.

Nguyên tắc khi đầu tư các dự án BOT bắt buộc phải tổ chức thu phí hoàn vốn. Các chuyên gia cho rằng sẽ có rủi ro khi đầu tư dự án BOT, trong điều kiện gần phạm vi dự án còn có nhiều cầu song hành, như: cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Chương Dương, Long Biên, phương tiện đi lại không mất phí, người dân sẽ không lựa chọn trả phí để đi cầu Trần Hưng Đạo.

Ở một góc nhìn khác, Báo Giao thông dẫn nhận định của ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ Giao thông Vận tải), nếu cầu Trần Hưng Đạo có dịch vụ tốt, rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển so với các cây cầu cũ thì người dân có quyền lựa chọn trả phí để lưu thông. Hiện nay, dự án mới ở bước lập chủ trương đầu tư nên cần tính toán kỹ lưỡng các yếu tố, đề xuất mức phí phù hợp để hiệu quả.

Được biết, dự án cầu Trần Hưng Đạo có điểm đầu tại ngã năm Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông, thuộc địa bàn phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm. Điểm cuối giao cắt với đường Nguyễn Văn Linh thuộc địa bàn phường Gia Thụy, quận Long Biên.

Có nên làm cầu Trần Hưng Đạo theo hình thức BOT? - Ảnh 1.

Tổng vốn đầu tư dự án cầu Trần Hưng Đạo dự kiến hơn 8.900 tỷ đồng. (Ảnh: Dân trí)

Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 5,5km, mặt cắt cầu 6 làn xe cơ giới. Đoạn cầu dẫn phía Hoàn Kiếm có quy mô 1 làn xe đi thẳng vào đường Trần Hưng Đạo và 4 làn xe rẽ tiếp cận vào đường đê Trần Khánh Dư. Đoạn cầu dẫn phía Long Biên có quy mô 4 làn xe.

Tổng vốn đầu tư dự án dự kiến hơn 8.900 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước chiếm 50%, vốn nhà đầu tư BOT chiếm 50%. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến khoảng 20 năm, tiến độ thực hiện dự án từ năm 2022 - 2025.

Chi phí xét nghiệmCOVID-19 - nỗi ám ảnh của doanh nghiệp

Áp lực chi phí xét nghiệm cũng là câu chuyện được nhiều trang báo đề cập. Trang VnExpress dẫn ví dụ của một doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" với 350 nhân viên, chi phí hàng tuần là 60 triệu đồng, tức 240 triệu đồng/tháng.

Bà Đỗ Thị Thuý Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam ước tính, để duy trì sản xuất, doanh nghiệp phải chi thêm 3,5 - 4 triệu đồng cho mỗi lao động một tháng, trong đó riêng chi phí xét nghiệm chiếm hơn 70%.

"Cõng" chi phí xét nghiệm lớn, nhưng các doanh nghiệp vẫn cho rằng cách làm hiện nay chưa khoa học, cần một phương pháp xét nghiệm khác, hiệu quả và tiết kiệm hơn.

Nghị quyết 105 của Chính phủ đã cho phép doanh nghiệp được tự xét nghiệm COVID-19, tự chịu trách nhiệm về kết quả, nhưng đến nay vẫn chưa ban hành hướng dẫn cụ thể. Đây là điều các doanh nghiệp đang thực sự mong đợi, bởi nếu được hiện thực hóa, chính sách này có ý nghĩa "không thua kém bất kỳ gói hỗ trợ nào Chính phủ đã và đang thực hiện".

"Giật gấu vá vai" vật liệu thi công cao tốc Bắc - Nam

Hiện nay, có tới 8/11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang thiếu hụt nguồn cung đất đắp nền - loại vật liệu sẵn có bậc nhất Việt Nam. Ví dụ, dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 cần tối thiểu 20.000m3 đất đắp/ngày, nhưng trên thực tế, các mỏ chỉ cung cấp được một nửa.

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất Chính phủ cho phép UBND các tỉnh nơi dự án đi qua được điều chỉnh công suất khai thác các mỏ đất đắp nền đường, theo nhu cầu của dự án.

Vì trên thực tế, có nhiều mỏ công suất khai thác ghi trong giấy phép nhỏ nên việc nâng công suất khai thác cũng chưa khai thác hết trữ lượng.

Bên cạnh đó, tờ Đầu tư đề cập, hiện nay, giá 1 m3 đất đắp đã vọt lên tới 80.000 - 140.000 đồng, trong khi giá dự toán chỉ vào khoảng 60.000 đồng. Đây cũng là một trong những khó khăn của nhà đầu tư dự án.

Ngắm phối cảnh cầu Trần Hưng Đạo vượt sông Hồng Ngắm phối cảnh cầu Trần Hưng Đạo vượt sông Hồng

VTV.vn - Ngày 10/7, đại diện UBND Hà Nội cho biết, thành phố đã giao TEDI nghiên cứu phương án xây cầu Trần Hưng Đạo vượt sông Hồng, nối quận Hoàn Kiếm và Long Biên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước