Tại hội thảo ngày 12/6 về chủ đề "Cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước", từ thực tiễn triển khai bán vốn nhà nước của SCIC tại các CTCP, ông Lê Song Lai chia sẻ muốn thoái vốn nhà nước tại DN thành công cần tổ chức hoạt động bán vốn một cách chuyên nghiệp, lựa chọn thời điểm bán vốn phù hợp, theo sát diễn biến thị trường và thực trạng hoạt động của DN. Tiên phong trong việc áp dụng các cơ chế bán vốn đặc thù, như bán cả lô, bán cho NĐT chiến lược, bán dưới mệnh giá...
Theo người đại diện cho SCIC, kể từ khi thành lập cho đến ngày 31/12/2017, SCIC đã bán vốn tại 986 DN, trong đó bán hết vốn tại 885 DN, bán một phần vốn tại 82 DN, bán quyền mua tại 19 DN. Với tổng giá vốn nhà nước khoảng 8.332 tỷ đồng, sau bán vốn SCIC đã thu về 36.989 tỷ đồng, giá trị thu về gấp 4,4 lần giá vốn.
Ông Vương Tuấn Dương, Phó Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, cho rằng các DN đã hoạt động hiệu quả hơn sau CPH, đóng góp tốt hơn cho nền kinh tế. Khi DN hoạt động hiệu quả, các đợt thoái vốn nhà nước tiếp theo sẽ có giá trị cao hơn, giúp đem lại nguồn thu lớn hơn cho ngân sách.
Chương trình CPH của Chính phủ cũng giúp thị trường vốn có thêm nhiều công ty niêm yết, từ đó phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Các DN trên thị trường nhờ đó có thể gọi vốn thuận lợi hơn thông qua phát hành cổ phiếu, giảm phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, giúp cơ cấu vốn tổng thể của nền kinh tế cân bằng hơn.
Chính vì vậy, thời gian qua dù điều kiện thị trường có thay đổi, Chính phủ vẫn cần có biện pháp đảm bảo tiến độ chương trình CPH, tránh để các biến động tăng, giảm của thị trường làm ảnh hưởng quá lớn đến số lượng DN được CPH. Đặc biệt, đối với các thương vụ lớn Chính phủ cần lên kế hoạch kỹ càng từ trước và thực hiện dần từng bước, tránh gây ra tình trạng thị trường không hấp thu kịp.
Tuy nhiên, cùng với các ý kiến nên trên, cũng có ý kiến cảnh báo về nguy cơ chậm tiến độ cổ phần hoá ở một số doanh nghiệp Nhà nước, gây thất thoát vốn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!