Hình minh họa. Ảnh: AP
Hoá chất là ngành công nghiệp nền tảng, cung cấp nguyên liệu cho hầu như mọi ngành sản xuất chế tạo và cho nông nghiệp. Nhu cầu hoá chất đang suy giảm tại châu Âu và trên thế giới đang tác động xấu tới một sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Liên minh châu Âu.
Doanh số ngành hóa chất của nước Đức trong năm nay có thể giảm tới 14%, theo một bài trên tờ Tấm gương hàng ngày ra hôm thứ Ba tuần trước.
Công nghiệp hóa chất vẫn được coi là một chỉ báo hàng đầu cho nền kinh tế. Nhu cầu hoá chất suy giảm nói lên nhiều điều về tình hình kinh tế nói chung. Tờ báo Đức trích lời ông Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hoá chất: "Chúng tôi là quân domino đầu tiên chao đảo. Nếu mọi thứ trở nên tồi tệ với chúng tôi ở giai đoạn đầu của chuỗi giá trị, những ngành khác sớm muộn sẽ bị ảnh hưởng". Đó là bởi vì "95% tất cả các sản phẩm công nghiệp là dựa trên hóa chất cơ bản". "Doanh số của các công ty hóa chất đã giảm 11,5% trong nửa đầu năm nay", "gần 2/3 các công ty than phiền lợi nhuận giảm sút, thậm chí lỗ vốn", mặc dù giá nguyên liệu đầu vào và năng lượng đều đã giảm rất nhiều so với cách đây một năm.
Ngành hoá chất châu Âu gặp khó, do cả nhu cầu nội địa lẫn xuất khẩu sang Trung Quốc đều sụt giảm. Tập đoàn hoá chất BASF của Đức có quy mô lớn nhất thế giới đã lên kế hoạch "Từ năm 2026 mỗi năm giảm đầu tư 1 tỷ Euro". Bài báo nêu 3 lý do chính: Với công nghiệp chế tạo, "nhu cầu mua thêm hoá chất không cao do khách hàng vẫn còn nhiều nguyên liệu tồn kho". "Với hóa chất nông nghiệp, thời tiết nắng nóng và khô hạn bất lợi cho nhiều loài côn trùng gây hại, từ đó nông dân giảm mua hoá chất trừ sâu". Và lý do thứ ba, "Trung Quốc là nước nhập khẩu rất nhiều hoá chất, lại đang phục hồi quá chậm. Doanh số của hãng BASF giảm 13,4% trên toàn thế giới, nhưng giảm tới 28% trên thị trường Trung Quốc".
Tại các nước châu Âu khác có công nghiệp hoá chất không mạnh như tại Đức, tình hình tồi tệ hơn. Tờ La Vanguardia ra tại Tây Ban Nha cho biết: "Tập đoàn hoá chất Ercros của nước này, trong nửa đầu năm nay, lợi nhuận suy sụp 2/3 so với cùng kỳ năm trước", trong bối cảnh "Thị trường biến động thất thường, cạnh tranh ngày càng tăng, giá bán giảm và lượng bán cũng giảm".
Nhật báo kinh tế Neue Zurcher Zeitung ra tại Thuỵ Sĩ có bài phóng sự về tập đoàn hoá chất Clariant, sản xuất hạt nhựa, bột màu công nghiệp và nguyên liệu mỹ phẩm. "Khi thị trường bùng nổ trở lại sau đại dịch, Clariant đã đẩy mạnh tích trữ hóa chất, nguyên liệu thô và các thành phần khác". Lượng hàng tồn kho quá nhiều từ lúc đó nay vẫn đáp ứng nhu cầu sản xuất, tập đoàn này không đặt mua thêm nguyên liệu nữa. Bài báo viết: "Hy vọng bây giờ, là lượng hàng tồn giảm dần, và ngành hoá chất sẽ lại dần dần hồi phục từ quý IV" năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!