Cổ phiếu liên quan đến năng lượng hạt nhân từ vài năm qua đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư tài chính do vai trò tiềm năng của điện nguyên tử trong giảm phát thải carbon. Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ đã thúc đẩy thêm nữa sức hấp dẫn của cổ phiếu hạt nhân tại cả Mỹ và châu Âu.
Các nhà máy điện hạt nhân đang hồi sinh tại châu Âu. Ngoại trừ nước Đức tuyên bố từ bỏ năng lượng nguyên tử, các nước Pháp, Thụy Điển, Ba Lan, Cộng hòa Czech, Bulgarie và Roumanie đang thúc đẩy một nguồn năng lượng nay lại được đề cao.
Tờ Expansión ra tại Tây Ban Nha trong bài báo “Làm thế nào tận dụng năng lượng hạt nhân trên thị trường chứng khoán” cho biết, “khối lượng quỹ đầu tư tài chính vào ngành hạt nhân đã vượt quá quỹ đầu tư vào năng lượng tái tạo”. Theo bài báo, “kể từ tháng 7/2022, cổ phiếu liên quan đến năng lượng nguyên tử đã tăng giá 80%, so với mức trung bình 36% trên thị trường chứng khoán”. “Dự đoán mức tăng trưởng lợi nhuận hàng năm sẽ là 16%/năm trong khoảng thời gian từ năm 2023 đến năm 2026”.
Lãnh đạo các nước châu Âu nay không còn e dè khi cổ vũ cho điện hạt nhân. Tờ Libero ra tại Italy trích lời Thủ tướng nước này, rằng “năng lượng nguyên tử là cần thiết cho tương lai”. Bà Giorgia Meloni khẳng định “chúng ta cần kết hợp các nguồn năng lượng một cách cân bằng để cải thiện quá trình chuyển đổi”. Đối với Italy cũng như các nước thành viên Liên minh châu Âu, điện hạt nhân không chỉ giúp sớm đạt mục tiêu giảm phát thải, mà còn có ý nghĩa chủ quyền năng lượng, giảm lệ thuộc vào khí đốt và dầu mỏ là những sản phẩm vẫn phải nhập khẩu.
Tham vọng của Liên minh châu Âu trong lĩnh vực này rất lớn, theo tờ L'Opinion của Pháp. Tháng 5 năm ngoái, các nước châu Âu đã cùng nước Anh đặt mục tiêu xây dựng thêm “30 đến 45 lò phản ứng hạt nhân, đồng thời phát triển mô hình lò phản ứng cỡ nhỏ”. “Pháp, Anh, Séc, Ba lan và Hungary đã khởi công xây dựng”, “một loạt nước khác đã công bố kế hoạch cụ thể”. Hàng loạt doanh nghiệp niêm yết trong mảng công nghiệp và dịch vụ sẽ có thêm hợp đồng từ những dự án xây mới nhà máy điện nguyên tử.
Mảng thiết kế và chế tạo lò phản ứng cỡ nhỏ đang được giới đầu tư quan tâm vì một lý do, hầu hết các dự án ấy là do các tập đoàn tư nhân thực hiện. Tờ Faro de Vigo của Tây Ban Nha mô tả, “một lò phản ứng cỡ nhỏ kích thước chỉ bằng 1/10, nhưng công suất tương đương 1/3 lò phản ứng truyền thống”. Trên thị trường chứng khoán châu Âu, có ba quỹ đầu tư tài chính chỉ tập trung nắm giữ cổ phiếu liên quan tới năng lượng nguyên tử, thường được gọi ngắn gọn là “quỹ uranium” và 6 cổ phiếu rất được săn lùng của các tập đoàn khai thác, tinh chế, lưu trữ và vận chuyển uranium, cũng như của các công ty dịch vụ, công nghệ, đào tạo và các nhà máy điện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!