"Con cưng" của Jack Ma tiếp tục nhận đòn đau

Thùy An-Thứ năm, ngày 04/03/2021 16:17 GMT+7

VTV.vn - Các quy định mới đã giáng thêm một đòn vào Ant Group, đồng thời làm đảo lộn mô hình kinh doanh của các công ty cho vay trực tuyến.

Theo quy định mới được Ủy ban quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) ban hành, các ngân hàng bị yêu cầu đánh giá và quản lý các rủi ro khi hợp tác với các nền tảng Internet giống như Ant. Quy định cũng "nghiêm cấm" việc cho vay trực tuyến ngoài khu vực mà họ đăng ký.

Thông thường công ty "con cưng" của Jack Ma - Ant Group - sẽ nhận đơn xin vay tiền qua điện thoại thông tin, chuyển chúng và đánh giá tín dụng khách hàng với ngân hàng đối tác. Ant nhận hoa hồng từ công đoạn này.

Con cưng của Jack Ma tiếp tục nhận đòn đau - Ảnh 1.

Ant Group tiếp tục bị áp các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn (Ảnh: Nikkei)

Theo tính toán, Ant thường nhận được từ 15, 20, thậm chí 30% thu nhập từ lãi vay của những ngân hàng đối tác và khoản này đóng góp 40% doanh thu cho Ant.

Nếu Ant phải tuân thủ theo luật mới tức là không cần gửi đánh giá tín dụng cho các ngân hàng, giá trị của họ với các nhà băng sẽ giảm và cuối cùng phải hạ mức phí.

CBIRC cho biết các quy định mới nhằm tăng cường quản lý rủi ro cho các ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, chúng được ban hàng nhằm mục tiêu giảm nguồn thu tài chính của Ant trong mảng kinh doanh chính: tín dụng vi mô cho các hộ gia đình và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cũng trong quy định mới được ban hành, các nền tảng cho vay trực tuyến sẽ phải đóng góp tối thiểu 30% nguồn vốn cho các khoản vay khi hợp tác với ngân hàng. Các ngân hàng cũng không được để tổng các khoản vay trực tuyến vượt quá 50% tổng dư nợ của mình.

Theo Nikkei, việc áp đặt các giới hạn về khu vực đối với những dịch vụ trực tuyến nghe có vẻ phi lý. Tuy nhiên, đó là nỗ lực nhằm ngăn chặn dòng vốn lớn chảy vào Ant.

Cho tới giờ, Ant vẫn phụ thuộc vào các ngân hàng với hầu hết các khoản vay hoặc những khoản cho vay dưới dạng chứng khoán đảm bảo bằng tài sản nên ít chịu áp lực về vốn.

Tờ Financial Times tính toán, trước khi có các quy định mới về việc góp vốn này, Ant chỉ góp 2% trong số hàng trăm tỷ USD mà họ cho vay tiêu dùng, phần lớn còn lại đến từ các đối tác ngân hàng.

Hiện tại, Ant có gần 2 nghìn tỷ Nhân dân tệ thuộc diện các khoản vay liên kết với ngân hàng, nhưng theo quy định mới, họ sẽ phải huy động gần 90 tỷ USD để đáp ứng yêu cầu.

Ant sẽ phải hoàn tất chuyển đổi kinh doanh để đáp ứng những quy định mới vào năm 2022. Như vậy, công ty chỉ có khoảng thời gian ngắn để vạch ra một lộ trình đủ thuyết phục cho phép Ant khởi động lại đợt IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng).

Con cưng của Jack Ma tiếp tục nhận đòn đau - Ảnh 3.

Kế hoạch IPO của Ant Group bị đặt một dấu hỏi trước những quy định mới từ các nhà chức trách Trung Quốc

Theo các chuyên gia, với những quy định mới này, công ty cho vay trực tuyến Ant sẽ chịu nhiều áp lực về định giá hơn.

Ông Wong Kok Hoi, sáng lập của Quỹ quản lý tài sản APS cho rằng, những quy định này có thể buộc các công ty fintech phải điều chỉnh quy mô hiện tại và cải tổ hoạt động từ mô hình doanh nghiệp sang tương tự như các ngân hàng thương mại. "Mô hình kinh doanh của Ant sẽ phải cải tiến hơn nữa", ông nói.

"Điều này sẽ làm tăng chi phí tài chính cho khách hàng và làm tê liệt một trong những mảng kinh doanh phát triển nhanh nhất của Ant. Do đó, gần như chắc chắn, định giá cuối cùng của Ant sẽ bị giảm", Michael Pettis, chuyên gia tài chính ở Đại học Bắc Kinh nhận định.

Theo thống kê, Ant Group đã cho 500 triệu người vay tiêu dùng với 1,7 nghìn tỉ Nhân dân tệ (263 tỉ USD) cho đến ngày 30/6/2020. Tuy nhiên, ít nhất 10 ngân hàng đã ngừng hợp tác với các nền tảng cho vay tiêu dùng trong những tháng gần đây do thắt chặt quy định.

Có nhiều tai tiếng

Ngoài rắc rối của Ant, Alibaba cũng vướng vào những chỉ trích về điều kiện làm khắc nghiệt với nhân viên. Trường hợp gần đây nhất là Ele.me, một đơn vị cung cấp dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến trực thuộc Alibaba. Ứng dụng này cho biết họ sẽ không trả bất kỳ khoản tiền thưởng nào cho các shipper (nhân viên giao hàng) trừ khi mỗi người có thể thực hiện 380 chuyến giao hàng trong dịp Tết Nguyên đán (từ 15-21/2 Âm lịch). Đây dường như là điều kiện không tưởng với bất kì shipper nào.

"Hoàn toàn không thể. Tôi thậm chí sẽ không thử", một nhân viên giao hàng đăng trên mạng xã hội. Dòng trạng thái này nhận được sự ủng hộ của rất nhiều thông điệp tương tự khác.

Con cưng của Jack Ma tiếp tục nhận đòn đau - Ảnh 5.

Ele.me, một ứng dụng giao đồ ăn của Alibaba cho biết họ sẽ không trả bất kỳ khoản tiền thưởng nào cho các shipper trừ khi mỗi người có thể thực hiện 380 chuyến giao hàng trong dịp Tết Nguyên đán

Một nhân viên giao hàng của Uber Eats Trung Quốc cho biết rất khó để thực hiện hơn 30 chuyến giao hàng trong một ngày, với giả định rằng quá trình từ nhận đơn hàng đến giao hàng chỉ mất 20 phút.

Điều này có nghĩa là anh ta sẽ mất 10 giờ để thực hiện 30 chuyến giao hàng mà không hề có một phút nghỉ ngơi. Từ đó, nhân viên này cho biết, anh chỉ có thể thực hiện 200 chuyến giao hàng một tuần và con số 380 là một con số "bất khả thi".

Động thái của Ele.me còn bị cộng đồng mạng đánh giá là đặc biệt nhẫn tâm. Tết Nguyên đán là sự kiện quan trọng nhất đối với người Trung Quốc. Đây là quãng thời gian hàng trăm triệu người lao động nhập cư trở về đoàn tụ với gia đình. Tuy nhiên, vì đại dịch, nhiều người đã không thể về nhà và tuyên bố của Ele.me chỉ càng làm cho người lao động thêm khốn khó.

Trước sức ép của dư luận, Ele.me đã phải xin lỗi và nhượng bộ số tiền thưởng cao hơn. Những chi tiết này càng khiến các cơ quan quản lý Trung Quốc có thêm lý do để kiềm chế những gã khổng lồ thương mại điện tử như Alibaba.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước