Con đường sống nào cho doanh nghiệp và nông dân trước thực trạng đường lậu hoành hành?

PV-Thứ tư, ngày 16/06/2021 09:00 GMT+7

VTV.vn - Dù nhà nước và lực lượng chức năng đã can thiệp, đường lậu vẫn ồ ạt vào Việt Nam khiến việc đi đâu, về đâu của ngành đường Việt trong thời gian tới hãy còn là dấu hỏi lớn.

Buôn lậu đường như… đi chợ

Nhiều năm qua, dù lực lượng chức năng đã phát hiện và triệt phá nhiều đường dây buôn đường lậu vào Việt Nam nhưng thực trạng này vẫn còn nhức nhối, tỷ lệ vẫn ở mức cao hằng năm, nhất là tại các tỉnh có đường biên giới như An Giang, Long An, Tây Ninh…

Theo Hải quan Online, từ đầu năm 2020 đến nay, các lực lượng chống buôn lậu của An Giang đã phát hiện và bắt giữ trên 415 tấn đường cát nhập lậu, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2019. Còn tại Long An, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2020, con số bắt giữ đã là 38 tấn.

Dù phát hiện nhiều nhóm buôn lậu đường nhưng đây chỉ được xem là "tảng băng nổi" so với thực tế diễn ra. Số lượng vụ phát hiện được như trên không nhiều. Những "ông trùm" đường lậu đa số vẫn núp trong "bóng tối".

Nông dân bỏ mía vì đường lậu, đường phá giá

Khi Hiệp định ATIGA có hiệu lực (01/01/2020), hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép đường cát quan biên giới đã giảm. Tuy nhiên, giá thị trường đường Thái Lan hiện nay thấp hơn rất nhiều so với đường trong nước khiến doanh nghiệp "đứng ngồi không yên".

Con đường sống nào cho doanh nghiệp và nông dân trước thực trạng đường lậu hoành hành? - Ảnh 1.

Nhiều nông dân bỏ mía vì đường lậu, đường phá giá

Đứng trước thực trạng này, ngày 09/02/2021 Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 477 áp dụng thuế chống bán phá giá với đường có xuất xứ Thái Lan. Rào cản thuế suất khiến giá đường nhích lên chút ít nhưng lại vô tình "tạo cớ" cho đường lậu hoành hành trở lại với nhiều phương thức táo tợn và tinh vi hơn: Tổ chức thành nhóm với đường dây chặt chẽ, thuê người theo dõi lực lượng chống buôn lậu để tìm cách đối phó; lợi dụng khu vực cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở để vận chuyển trái phép qua biên giới; sử dụng phương tiện chuyên chở hàng đa dạng…

Hết đường nhập lậu lại đến đường phá giá đẩy doanh nghiệp ngành đường Việt Nam vào con đường phá sản, nông dân phải bỏ cây mía vì thua lỗ.

Diện tích trồng mía liên tục giảm, nguy cơ khan hiếm nguồn nguyên liệu

Diện tích mía cả nước từ 300.000 ha nay giảm xuống chưa đến 127.000 ha. Trước đây có hơn 300 nghìn hộ dân tham gia trồng mía, nay chỉ còn khoảng 170 nghìn người trồng. Các vùng canh tác mía lâu năm như Đồng Nai, Gia Lai, Thanh Hóa… thì chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cam, thanh long…

Đến cuối tháng 3/2021, toàn ngành mía đường đã ép được 5.806.741 tấn mía, sản xuất 611.767 tấn đường, chỉ bằng 76,6% sản lượng mía ép và 84,6% sản lượng đường so với cùng kỳ vụ 2019 - 2020.

Con đường sống nào cho doanh nghiệp và nông dân trước thực trạng đường lậu hoành hành? - Ảnh 2.

Đường lậu tăng theo cấp số nhân làm giảm diện tích trồng mía của nông dân

Doanh nghiệp "núp bóng" đường lậu

Từ lâu, ngành mía đường đã có sự tồn tại của những đơn vị kinh doanh đường nhưng không hề có nhà máy, nguyên liệu hay mua bán gì với các nhà máy đường trong nước.

Họ mua số lượng lớn đường lậu rồi về phối trộn, sang chiết ra túi nhỏ và in dán thương hiệu công ty mình. Đây là một chiêu thức tinh vi, nguy hiểm đối với ngành mía đường trong nước vì nó hợp thức hóa được số lượng lớn đường không rõ nguồn gốc.

Con đường sống nào cho doanh nghiệp và nông dân trước thực trạng đường lậu hoành hành? - Ảnh 3.

Một số đối tượng tháo bao đường cát, chia nhỏ vào bao khác rồi đưa vào các chợ đầu mối, quầy tạp hóa tại TP Hồ Chí Minh tiêu thụ

Nguy hơn, lượng đường này khiến đường trong nước vừa không bán được lại vừa mang tiếng xấu là kém chất lượng.

Cuộc chơi công bằng cho ngành đường Việt Nam: Khó hay dễ?

Với tình hình cạnh tranh khốc liệt, Nhà nước đã có nhiều biện pháp để bảo vệ ngành mía đường, doanh nghiệp và người dân.

Trước QĐ 477 đã nói, tháng 9/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 2466/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Sau quyết định này, ngành mía đường Việt Nam đã có những tín hiệu khả quan. Giá bán đường sản xuất trong nước tăng 1.500 - 2.000 đồng/kg; giá thu mua mía nguyên liệu cũng tăng 50.000 – 100.000 đồng/tấn. Đây được cho là những tia hy vọng cho ngành đường trong nước, nhưng nếu chỉ trông chờ vào chế tài, quy định mà không chặn hoàn toàn thì cũng chẳng thấm vào đâu. Đường nhập lậu lại tiếp tục lũng đoạn giá, đường sản xuất trong nước vẫn không tiêu thụ được, doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, nông dân lại chọn rời xa cây mía… Đây chính là vòng luẩn quẩn, mãi không có lối thoát nhiều năm qua.

Để phát triển và đưa ngành đường Việt Nam về đúng với tầm vóc và cuộc chơi thương mại sòng phẳng cần sự hợp sức và chung tay của tất cả các thành phần, từ chính quyền, doanh nghiệp, người tiêu dùng, người nông dân… Hơn hết, lực lượng chức năng cần mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để phá các đường dây, xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, doanh nghiệp đeo mác đường nội địa…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước