Sáng 21/11, tiếp tục kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Nội dung chính của nghị quyết sẽ cho doanh nghiệp đang có hoặc nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải đất ở để làm dự án nhà ở thương mại. Chính sách này đã từng thực hiện ở các Luật Đất đai, Luật Nhà ở trước nhưng từ khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực đã bị dừng lại do luật quy định
Tại sao không áp dụng cho nhà ở xã hội?
Phát biểu ý kiến, ông Nguyễn Công Long - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (đại biểu đoàn Đồng Nai) cho biết, sẽ có rất nhiều vấn đề phải lo, cần được xem xét khi thí điểm nghị quyết này.
Theo đại biểu, thí điểm về đất đai sẽ khác với các chính sách khác. Bởi một khi đã xây dựng các công trình trên đất và đã chuyển đổi mục đích sẽ không có khả năng khắc phục được nữa, và những tác hại, hệ lụy sẽ khôn lường.
Đặc biệt, trong bối cảnh nước ta đặt ra nhiều mục tiêu, trong đó có an ninh lương thực, về sử dụng đất đai, việc thí điểm này cần được xem xét kỹ lưỡng.
Ông Nguyễn Công Long - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (đại biểu đoàn Đồng Nai)
Đại biểu Long băn khoăn việc thí điểm, ban hành chính sách này sẽ tạo ra mặt bằng pháp lý như thế nào. Quốc hội đã rất kỳ công, ban hành các quy định pháp luật liên quan đến đất đai và bất động sản. Cho đến nay có thể khẳng định nước ta đã hoàn thiện khá cơ bản hệ thống cơ chế pháp lý cho kinh doanh bất động sản, đất đai, nhà ở, quy hoạch.
Theo đại biểu, khi ban hành nghị quyết này, nhà đầu tư không cần phải đáp ứng được yêu cầu của các luật đã ban hành. Như vậy sẽ có 2 mặt bằng pháp lý cho hoạt động kinh doanh bất động sản.
Đại biểu Nguyễn Công Long cho biết, một điều mà cử tri rất quan tâm là hiện trạng các dự án bất động sản ra sao. Trong đó nội dung được nhiều đại biểu nêu là giá bất động sản tăng phi mã; người nghèo, người lao động, người thu nhập thấp, cán bộ công chức rất khó để có thể mua được.
"Người ta tính rằng với một công chức không ăn gì cả thì cũng mất vài trăm năm mới mua được nhà", đại biểu nói và đặt câu hỏi của cử tri là tại sao không có một cơ chế gì để thí điểm, tháo gỡ vướng mắc hiện tại trong nhà ở xã hội.
Theo đại biểu, tại sao cơ chế này không áp dụng cả cho nhà ở xã hội mà chỉ áp dụng với nhà ở thương mại.
Đại biểu cho biết, có nhiều địa phương không vướng gì, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang xây dựng các dự án thương mại sao cứ phải đồng loạt thí điểm toàn bộ. Do đó phạm vi thí điểm cần được cân nhắc kỹ lưỡng, không mở đại trà như đề xuất tại tờ trình.
Đại biểu Nguyễn Công Long thể hiện sự quan ngại của việc thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất
Cũng theo đại biểu Long, trong các tài liệu liên quan đã đánh giá hết tất cả những hệ lụy, tiêu cực như chuyện đầu cơ đất đai, mua gom đất chờ lên giá, thu gom đất nông nghiệp. Việc thu gom này không còn là nguy cơ mà đã diễn ra cả chục năm nay.
Lý do các hiệp hội, nhà đầu tư rất kiên trì trong việc vận động theo đuổi chính sách này là vì lợi nhuận. Trong đó lợi nhuận lớn nhất với dự án nhà ở thương mại là chênh lệch địa tô. Nếu đối chiếu theo các quy định hiện hành của Luật Đất đai, Luật Nhà ở hiện hành thì dư địa không còn nhiều nên họ mới nhằm vào câu chuyện đất đai của nhà ở thương mại.
"Đây là điều quan ngại, phải kiểm soát chặt chẽ. Họ mua gom hết đất đai, lại thỏa thuận với nhau để có mặt bằng đất để thực hiện các dự án, đạt mục tiêu lợi nhuận", đại biểu nói và đề nghị có giải pháp để chống tình trạng mua gom đất đai, hợp thức hóa sai phạm.
Đại biểu lấy ví dụ về vụ án bất động sản Alibaba, doanh nghiệp thực hiện nhiều sai phạm nên đã bị xử lý. Trong khi đó, có thể có những doanh nghiệp khác khôn khéo hơn, cũng đang thu gom đất đai, đang chờ để chính sách này được ban hành.
Đặc biệt, phải quan tâm đến việc ngăn chặn các nguy cơ, đảm bảo phát triển lành mạnh. Không để tình trạng thu gom đất lúa, đất rừng, đất sản xuất diễn ra.
Nhà ở thương mại "đắp chiếu", nhà ở xã hội bốc thăm "5 lần, 7 lượt" không mua được
Cùng cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) nhấn mạnh, đất đai là tài nguyên vô giá, "tấc đất tấc vàng", trong khi đó, tại nhiều đô thị ở các tỉnh, thành phố, nhiều dự án nhà ở thương mại được xây dựng xong nhưng bỏ hoang, không có người ở.
Từ thực trạng này, đại biểu Khánh đặt vấn đề việc mở rộng thí điểm sử dụng đất cho dự án nhà ở thương mại có hợp lý hay không, khi tình trạng bỏ hoang vẫn diễn ra. Trong khi đó, nhu cầu thực tế là nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập thấp cần được quan tâm hơn.
Đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai)
"Nhu cầu thực là nhà ở xã hội, tại sao chúng ta không dành quỹ đất, không ban hành các Nghị quyết để phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nguyện vọng của người thu nhập thấp, công nhân, những đối tượng không đủ tiền để mua nhà ở thương mại?", ông Khánh bày tỏ băn khoăn.
Theo đại biểu Đỗ Huy Khánh, ở một số địa phương, người thu nhập thấp, công nhân bốc thăm. "5 lần 7 lượt" với mong muốn mua căn nhà ở xã hội dưới 50 m2, nhưng chưa được, do nguồn cung hạn chế. Trong khi đó, ở nhiều đô thị, nhà ở thương mại xây xong không có người ở.
"Dự án bỏ hoang, mua bán chỉ có trên giấy tờ để kiếm lời, không có người ở", ông Khánh nêu thực tế và cho rằng với các dự án bỏ hoang như vậy, thì việc mở rộng thí điểm có phù hợp hay không? Do đó, ông Khánh đề nghị Quốc hội, cơ quan soạn thảo cân nhắc các vấn đề nêu trên.
Đại biểu Phạm Đức Ấn (đoàn Hà Nội)
Trong khi đó, đại biểu Phạm Đức Ấn (đoàn Hà Nội) cũng bày tỏ băn khoăn khi thí điểm Nghị quyết, liệu có tạo ra một mặt bằng giá đất mới hay không?
"Với một quyết định hành chính, cho phép thỏa thuận quyền sử dụng với đất nông nghiệp, phi nông nghiệp không phải đất ở, đất khác trong cùng thửa để làm dự án nhà ở thương mại, giá đất có thể từ 500.000 đồng lên 20 triệu đồng/m2, lợi ích này ai đạt được?", ông Ấn đặt vấn đề.
Vị đại biểu cũng lo ngại cùng một khu vực, khu đất nhà nước thu hồi để thực hiện các dự án của Nhà nước thì có giá đền bù, thu hồi khác, sẽ thấp hơn so với giá mà doanh nghiệp thỏa thuận để làm dự án bất động sản, dù hai lô đất có thể gần nhau.
"Khi đó, người dân sẽ so sánh, nảy sinh tranh chấp", đại biểu Phạm Đức Ấn bày tỏ sự lo ngại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!