Theo đơn vị nghiên cứu thị trường DataReportal, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có lượng người dùng TikTok nhiều nhất thế giới, xấp xỉ 50 triệu người, tức hơn 60% người dùng Internet tại nước ta.
Mảng thương mại điện từ TikTok Shop tại Việt Nam ghi nhận số lượng đơn hàng tăng gấp 6 lần so với nửa năm trước đó. Sức tăng trưởng này kéo theo sự dịch chuyển của dòng tiền quảng cáo trực tuyến lên TikTok, để tận dụng cơ hội kinh doanh.
Tuy nhiên từ đó nhiều vấn đề đã xuất hiện. Trong hơn 1 tháng qua, nhóm phóng viên của VTVMoney đã thâm nhập, điều tra các dấu hiệu sai phạm về thuế liên quan đến hoạt động quảng cáo trực tuyến trên nền tảng TikTok.
Để một quảng cáo đến được tay lướt video của người dùng, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh tại Việt Nam phải trả tiền cho pháp nhân của TikTok tại Singapore, có thể mua trực tiếp từ TikTok, hoặc qua các doanh nghiệp làm đại lý trung gian tại Việt Nam.
Theo quy định từ đầu năm 2022, tổ chức có đăng ký thuế sẽ chịu trách nhiệm kê khai nộp thuế. Còn không phải là tổ chức đã đăng ký, bên mua sẽ trả thêm 10,8% tiền thuế cho TikTok thu hộ để nộp lại cho nhà nước.
Các đại lý quảng cáo đánh vào tâm lý không muốn mất khoản thuế này để mở dịch vụ: cho thuê tài khoản với thuế suất 0%.
Trong vai doanh nghiệp có nhu cầu thuê tài khoản đại lý, phóng viên được các đối tác chính thức của TikTok chào mời những lợi ích, nếu chỉ quan tâm đến lợi nhuận, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh khó lắc đầu.
Các đại lý giải thích phần thuế hơn 10,8% khách hàng phải đóng như quy trình mua thông thường, nếu được mua thông qua tài khoản của đại lý lớn như họ, sẽ được TikTok chi tiền hỗ trợ đóng thay. Đây là chính sách TikTok dành riêng cho các đại lý.
"Phần thuế đó TikTok sẽ trả lại cho bên mình. TikTok sẽ trả lại chiết khấu cho bên mình theo doanh số nữa. Thay vì mọi người trả thì TikTok sẽ trả", một agency nói.
"Tụi em được phép làm những chuyện đó đúng quy định của TikTok. Tụi em đã "verify" với TikTok và với bên thuế rồi. Tụi em chịu trách nhiệm về việc đó", một agency khác cho biết.
Nói là phần thuế đã được TikTok hỗ trợ, nhưng khó hiểu là khi phóng viên đề nghị được xuất hóa đơn, các đại lý lại cho rằng cần phải đóng thêm 10% thuế giá trị gia tăng cho phần tiền muốn xuất hóa đơn.
Theo giới luật sư, hoạt động của các đại lý quảng cáo nhằm phục vụ việc khai thác kinh doanh tại Việt Nam của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài là TikTok, do đó phải tuân thủ pháp luật về thuế nhà thầu. Ấn định mức 5% cho thuế giá trị gia tăng và 5% thuế thu nhập doanh nghiệp trên tổng doanh thu. Nếu cố tình không kê khai, ẩn đi số doanh thu sẽ làm thất thu thuế.
"Trong trường hợp các đại lý sử dụng các kênh thanh toán, nhằm ẩn đi nguồn doanh thu, không đưa vào kê khai thực tế, thì đương nhiên chúng ta sẽ bị thất thu một nguồn thuế lớn. Như vậy đây là hoạt động vi phạm pháp luật về thuế. Còn chào mời theo kiểu dịch vụ, tiến hành hàng loạt thì mức độ nghiêm trọng còn tăng lên", Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, nhận định.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện Việt Nam có hơn 150 công ty là đại lý mua quảng cáo của TikTok. Theo thông tin được công bố trên website chính thức của TikTok, chỉ tính riêng một đại lý lớn tại Việt Nam, số dư có trong tài khoản quảng cáo đã lên đến 3,5 triệu USD một quý. Còn con số chi tiêu thực tế có thể lớn hơn nhiều. Với cách mời chào cho thuê tài khoản kiểu miễn thuế như vậy, có bao nhiêu trong dòng tiền triệu đô này thực hiện đúng nghĩa vụ thuế?
Mua quảng cáo trên TikTok qua tài khoản đi thuê của đại lý, doanh nghiệp cá nhân kinh doanh được hứa hẹn không bị mất thuế, không bị tính phí thuê mà còn có thể được thêm chiết khấu. Nghe qua như "món hời trên trời rơi xuống", nhưng thực tế theo điều tra của phóng viên, các đại lý không những không làm không công, mà có thể còn "lợi đơn, lợi kép" bằng cách lợi dụng lỗ hổng trong quy trình quản lý thuế của TikTok.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!