Thanh toán không tiền mặt không phải là khái niệm mới mà đã có mặt từ hàng chục năm nay, phổ biến nhất là những chiếc thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng.
Nhưng điều gì đã tạo ra sự bùng nổ tại Việt Nam trong 5 năm trở lại đây? (Nhờ sự phổ biến và tiện lợi của công nghệ)
Theo ông Nguyễn Hữu Tuất - Tổng Giám đốc NextPay Là một doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thanh toán, sự bùng nổ của thanh toán không tiền mặt đòi hỏi hội tụ 3 yếu tố: Thứ nhất là người tiêu dùng; Thứ hai là mạng lưới chấp nhận thanh toán không tiền mặt; Thứ ba là thói quen thanh toán không thấy mặt.
"Ở Việt Nam, trong vòng 5 năm qua, tạo ra sự bùng nổ về thanh toán không dùng tiền mặt bằng tổng của 15 - 20 năm trước bởi 3 yếu tố. Thứ nhất, tính đến năm 2023, gần 80% người trưởng thành ở Việt Nam đã có tài khoản ngân hàng và có 145 triệu thẻ ngân hàng đã được phát hành. Đây là điều kiện cho việc phát triển của thanh toán không tiền mặt. Thứ hai là đến quý I năm 2023, Việt Nam đã có 430.000 điểm có máy chấp nhận thanh toán thẻ, cộng với mạng lưới thanh toán chấp nhận QR code được phủ rộng trên toàn quốc. Đây là điều kiện đủ. Thứ ba là tính thời điểm, sau đại dịch COVID-19, thói quen của người tiêu dùng không sử dụng tiền mặt đã phổ biến bằng việc họ có thể sử dụng điện thoại quét mã QR thanh toán hoặc dùng thẻ ngân hàng, gần đây nhất là sử dụng các hình thức thanh toán mới như Apple Pay, Samsung Pay. Hội tụ cả 3 yếu tố này tạo ra sự bùng nổ làm cho Việt Nam trong vòng 2 năm trở lại đây, đã có sự tăng trưởng gấp đôi so với mọi năm về thanh toán không tiền mặt", ông Nguyễn Hữu Tuất cho biết.
Hiện nay có 3 hình thức chính về thanh toán không tiền mặt. "Hình thức phổ biến nhất là quét mã QR, bằng việc sử dụng các ứng dụng của ngân hàng, hoặc sử dụng các cái ví điện tử. Hình thức thứ hai sử dụng nhiều trong những giao dịch có giá trị lớn, như giao dịch trên 1 triệu đồng đa số người tiêu dùng sẽ dùng thẻ, đặc biệt là thẻ tín dụng, vì lợi ích của việc được miễn lãi trong 55 ngày và có thể sử dụng các hình thức trả góp 0% lãi suất. Phương thức thứ ba gần đây cũng rất hot ở thị trường Việt Nam là khi Apple giới thiệu hình thức thanh toán Apple Pay, hoặc trước đây có Samsung Pay, Google Pay. Đây là một hình thức ở giữa việc sử dụng điện thoại nhưng kết hợp của thẻ và điện thoại. Còn QR là kết hợp giữa thẻ và tài khoản ngân hàng", ông Nguyễn Hữu Tuất cho biết thêm.
Thanh toán mua hàng tại một siêu thị. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
Đa dạng công nghệ thanh toán tại Việt Nam
Những khu chợ vùng cao tại tỉnh Yên Bái hiện khi đã triển khai mô hình chợ 4.0, trong đó phổ cập thanh toán qua mã QR cho toàn bộ tiểu thương.
"Thanh toán không dùng tiền mặt em thấy rất tiện lợi. Thứ nhất là không gây nhầm lẫn, mình thanh toán nhanh, gọn nhẹ. Phương thức thanh toán như thế tiện vì mỗi lần đi mình sẽ không phải cầm nhiều tiền mặt", chị Hà Thị Thu, tiểu thương chợ Sơn Thịnh, Văn Chấn, Yên Bái, chia sẻ.
"Từ trước khi mình đi giao dịch mua bán phải mất thời gian đi lại, mất thời gian đi để trao trả tiền cho người ta, rất là mất thời gian, còn nhầm lẫn tiền giả, tiền thật, rất phức tạp nên từ khi ban quản lý chợ, các cán bộ huyện xuống tuyên truyền về vấn đề sử dụng mã QR và chuyển tiền qua tài khoản mình thấy nhiều điểm tốt", chị Nguyễn Thị Phượng, tiểu thương chợ Sơn Thịnh, Văn Chấn, Yên Bái, cho hay.
Khi người dân ai cũng sẵn sàng có một chiếc smartphone, người bán hàng chỉ cần một tờ giấy in là đã có phương thức thanh toán số. Vì vậy tăng trưởng thanh toán qua mã QR đã đạt hơn 100% trong 9 tháng đầu năm nay.
Còn tại các thành phố lớn, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn, chẳng hạn thanh toán chạm qua Apple Pay.
Thiết bị phủ rộng, công nghệ kết nối tốt hơn thời, gian thanh toán nhanh hơn và vì thế khách hàng cũng sẵn sàng không dùng tiền mặt bởi sự tiện lợi của nó.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!