Cụ bà trồng tre 4 mùa và hành trình kiếm tiền tỷ mỗi năm

Vũ Hải-Thứ sáu, ngày 04/10/2024 07:20 GMT+7

VTV.vn -Cụ bà 73 tuổi trước khi bước vào cuộc thi khởi nghiệp, kiếm tiền tỷ mỗi năm đã từng "nếm mùi" thất bại từ lần đầu tiên trồng cây tre 4 mùa.

Khởi nghiệp từ trồng tre 4 mùa và "nếm mùi" thất bại ngay lần đầu tiên

Một ngày đầu tháng 10, chúng tôi đến xã Đắk Som (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông), nghe được câu chuyện làm giàu nhờ trồng tre. Đó chính là bà Nguyễn Thị Sang (73 tuổi), người đã từng "nếm mùi" thất bại ngay lần đầu tiên khởi nghiệp. 

Trao đổi với chúng tôi, bà Sang nhớ lại:"Năm 1997, gia đình tôi từ tỉnh Gia Lai chuyển đến vùng quê nghèo ở xã Đắk Som để lập nghiệp. Thời điểm đó, nơi đây vẫn chỉ là những mảnh đất hoang hóa, kém màu mỡ. Người dân sinh sống chủ yếu bằng canh tác nông nghiệp nhưng phụ thuộc vào thời tiết, năng suất thấp. Cuộc sống của nhiều hộ dân quanh quẩn trong cái nghèo"

Cụ bà trồng tre 4 mùa và hành trình kiếm tiền tỷ mỗi năm - Ảnh 1.

Vườn tre của cụ bà Nguyễn Thị Sang (73 tuổi) ở Đắk Nông.

Bà Sang kể tiếp, mùa mưa ở xã Đắk Som, người dân đổ xô vào rừng hái măng le, măng lồ ô về bán kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống. Gia đình bà Sang đã thu mua măng của người dân để chế biến và bán ra thị trường. Tuy nhiên, việc thu hoạch măng rừng chỉ kéo dài khoảng 3 tháng và phụ thuộc rất lớn vào thời tiết.

"Mùa mưa, măng rừng rất nhiều nhưng mùa khô lại khan hiếm nên nguồn cung không ổn định, thu nhập bấp bênh", bà Sang chia sẻ.

7 năm sau, bà Sang tìm mua giống tre 4 mùa ở nước ngoài về trồng với hy vọng sẽ thu hoạch được măng quanh năm. Lúc này, số tiền dành dụm cũng chỉ đủ mua vài cây tre giống 4 mùa và  ngay lần đầu tiên, bà Sang phải "nếm mùi" thất bại.

Lúc này, bà nhìn thẳng vào chúng tôi và nở nụi cười, nói tiếp:"Sau khi thất bại, tôi đã tìm hiểu bằng nhiều phương pháp, và nhờ người tư vấn. Sau khi nắm được những điều cơ bản việc trồng tre 4 mùa, tôi tiếp tục vay mượn gia đình để mua 1.000 gốc tre 4 mùa về trồng trên diện tích 1ha. Đến 5 tháng sau, gia đình bà bắt đầu thu hoạch măng tươi để bán với giá 10.000 đồng/kg. Khác với măng tre thông thường, măng tre 4 mùa không đắng, ngược lại rất giòn và ngọt nên người tiêu dùng rất ưa chuộng"

Hơn 2 năm sau, khi tre đã đủ tuổi, bà Sang tiếp tục học hỏi kỹ thuật nhân giống. Đến nay, gia đình bà đã sở hữu khoảng 40.000 cây tre 4 mùa, trải rộng diện tích 40ha. Trong đó, có 21ha đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cấp giấy xác nhận mã vùng trồng vào cuối tháng 8/2023. 

Cứ thế, diện tích tre 4 mùa của gia đình bà trở thành "độc nhất vô nhị" ở tỉnh Đắk Nông.

Cụ bà trồng tre 4 mùa và hành trình kiếm tiền tỷ mỗi năm - Ảnh 2.

Măng tre được cụ Sang thu hoạch.

Hàng năm, gia đình bà thu hoạch khoảng 250 tấn măng tươi. Ngoài việc bán măng tươi, gia đình bà Sang còn chế biến nhiều sản phẩm mới lạ như: Măng hấp, măng sấy khô, măng kim chi, măng chua ngọt, măng nấu canh chua... nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Sau khi đã trừ các chi phí, gia đình bà thu lãi khoảng 2 tỷ đồng mỗi năm. Nguồn thu nhập ổn định từ việc trồng tre 4 mùa đã giúp cải thiện đáng kể cuộc sống của gia đình bà.

Nói về "bí kíp" giúp măng tre 4 mùa mọc quanh năm, bà Sang cho biết: "Chi phí đầu tư cho loại cây trồng này rất thấp, mỗi năm tôi chỉ bỏ ra khoảng 15 triệu đồng để bón các loại phân chuồng (phân bò, phân heo, phân dê) cho 1ha tre. Để măng mọc đều quanh năm, gia đình tôi sử dụng máy móc tưới nước cho các vườn tre vào mùa khô. Nhờ đó, dù thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, măng tre 4 mùa vẫn mọc lên tua tủa".

Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình, bà Sang còn tạo công ăn việc làm cho 10 lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương tham gia chăm sóc, thu hoạch măng, với mức lương từ 7,5-9 triệu đồng/tháng.

Muốn giữ hình ảnh cây tre gắn với con người Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Sang vẫn không cho phép mình nghỉ ngơi để tận hưởng thành quả sau nhiều năm nỗ lực. Với mục tiêu đưa sản phẩm măng tre 4 mùa đến gần hơn với người tiêu dùng, bà đã tích cực tham gia nhiều hội chợ tại các tỉnh như Đắk Nông, Gia Lai, Bình Định và Kon Tum. 

Đồng thời, bà cũng tận dụng các nền tảng mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm của mình đến đông đảo khách hàng.

Cụ bà trồng tre 4 mùa và hành trình kiếm tiền tỷ mỗi năm - Ảnh 3.

Mặc dù đã hơn 73 tuổi nhưng bà Sang vẫn tham gia cuộc thi khởi nghiệp.

Bà còn mang các sản phẩm măng tre 4 mùa đến trưng bày tại một số sân bay trên cả nước, nhằm giới thiệu sản phẩm đến du khách trong và ngoài nước. Nhờ những nỗ lực ấy, hiện nay, các sản phẩm măng tre 4 mùa không chỉ người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, sử dụng mà còn xuất khẩu theo hình thức xách tay qua các nước Ấn Độ, Úc, Nhật Bản...

Không chỉ trồng tre, bà Sang còn là một người truyền cảm hứng làm giàu từ cây tre cho nhiều người dân. Bà đã chuyển giao giống và kỹ thuật trồng, chăm sóc tre 4 mùa cho nhiều nông dân ở các tỉnh khác. 

Bà Sang cũng đã ghi dấu ấn trong cộng đồng khi tham gia cuộc thi "Ngày Phụ nữ khởi nghiệp" do Hội Phụ nữ tỉnh Đắk Nông tổ chức và giành giải Nhì. Thành tích này không chỉ khiến nhiều người bất ngờ mà còn tạo nguồn cảm hứng cho không ít phụ nữ tại địa phương.

Cụ bà trồng tre 4 mùa và hành trình kiếm tiền tỷ mỗi năm - Ảnh 4.

Sản phẩm làm từ măng tre của bà Sang.

Bà Sang cũng tham gia cuộc thi "Ý tưởng/Dự án khởi nghiệp xanh – Phát triển bền vững" lần thứ 10 năm 2024, do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ Doanh nghiệp – BSA (Tp.HCM) phối hợp tổ chức.Bà Sang đã mạnh dạn đăng ký tham gia với dự án mang tên "Măng tre bốn mùa Ba Sang Đắk Som". 

Dự án này không chỉ nhằm hướng đến phát triển nông nghiệp xanh, bền vững mà còn tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, bà Sang muốn lan tỏa dự án trồng tre 4 mùa đến mọi miền đất nước, với thông điệp phủ màu xanh cho đất, góp phần chống sạt lở, xói mòn và hình ảnh cây tre gắn với con người Việt Nam.

Ông Lê Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Đắk Som thông tin, bên cạnh việc thu hoạch măng để bán, thời gian qua, gia đình bà Nguyễn Thị Sang còn cung cấp giống tre 4 mùa cho người dân ở nhiều địa phương trên cả nước. Qua theo dõi cho thấy, loại cây này rất phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương, đặc biệt có khả năng tận dụng những diện tích đất xấu và các khu vực canh tác nông nghiệp kém hiệu quả. Không chỉ vậy, cây tre 4 mùa còn có tác dụng chắn gió, chống xói mòn rất hiệu quả.

"Mô hình trồng tre 4 mùa của gia đình bà Sang đã góp phần thay đổi thói quen chuyển đổi cơ cấu cây trồng của nhiều người dân trong khu vực. Hiện, chính quyền địa phương đang phối hợp với bà Sang để hướng dẫn và tạo điều kiện để phát triển sản phẩm măng 4 mùa thành sản phẩm OCOP của địa phương. Đồng thời, tuyên truyền và khuyến khích người dân tận dụng các diện tích đất xấu, kém màu mỡ để trồng tre 4 mùa, nhằm đa dạng cây trồng, tăng thu nhập trên cùng một diện tích đất", ông Đại cho hay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước