"Cú đấm" WeWork và đòn đỡ của start-up Việt

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ hai, ngày 24/09/2018 09:50 GMT+7

VTV.vn-Như một "làn gió mới", thị trường không gian làm việc chung co-working space được start-up trong nước phát triển khá tốt. Dĩ nhiên, miếng "bánh ngon" sẽ có người xí phần.

WeWork - start-up lớn thứ ba nước Mỹ, được định giá 20 tỷ USD sẽ là đối thủ lớn sắp tới của các start-up Việt. Tuy nhiên, trái với tâm lý e sợ thường có của một doanh nghiệp truyền thống khi nghe tin một doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam cạnh tranh, theo khảo sát của tờ Đầu tư, các start-up Việt trong lĩnh vực co-working space lại tỏ ra khá hào hứng và không có gì bất ngờ trước cuộc chiến sắp tới.

Ông chủ của chuỗi CoGo cho biết học hỏi kinh nghiệm từ chính WeWork bên Mỹ nên CoGo đã có thiết kế khu vực làm việc riêng rất giống WeWork nhưng có chỉnh sửa các khu vực chức năng cho phù hợp hơn với đặc tính của khách hàng Việt Nam.

Tương tự, CEO của một start-up khác là Toong cũng cho biết ngay từ 3 năm trước khi xây dựng địa điểm co-working đầu tiên, đơn vị này đã suy nghĩ là sớm muộn gì WeWork cũng sẽ gia nhập thị trường. Vì vậy, con đường 3 năm qua là kiến tạo những thế mạnh và giá trị riêng biệt.

Đó là cách phòng thủ của các start-up Việt. Còn với một "ông lớn" như Wework chiến lược của họ cũng rất kỹ càng. Trước khi triển khai văn phòng tại TP.HCM dự kiến vào tháng 12, WeWork đã "đặt chân" vào thị trường Hà Nội bằng việc chi khoảng 400 triệu USD mua lại đối thủ Naked Hub - start-up đang có 4 điểm co-working tại Việt Nam.

Còn tại TP.HCM, theo tờ Đầu Tư, WeWork đang hướng đến một cao ốc có vị trí đắc địa tại quận 4, gần "phố Wall Sài Gòn" tại quận 1. Các hoạt động xúc tiến tìm hiểu thị trường, thăm dò khách thuê được WeWork tổ chức rầm rộ trong quý III/2018. WeWork cũng giới thiệu văn phòng của họ sẽ là không gian làm việc chung lớn nhất tại Việt Nam với diện tích lên đến 5.000 m2, tính đến cuối năm 2018. Đối tượng khách hàng là văn phòng đại diện của tập đoàn đa quốc gia.

Một số nhận định cho rằng các tên tuổi co-working space trong nước vẫn còn thời gian để xây chắc "móng" cho mình bởi có lẽ phải từ năm 2020 trở đi, WeWork mới thực sự có động thái mạnh mẽ ở Việt Nam sau khi tái cấu trúc xong. Tuy nhiên, những bất lợi cố hữu của các start-up Việt trong lĩnh vực này sẽ là điều thách thức nhất.

Ví dụ như diện tích trung bình của mỗi co-working space ở Việt Nam chỉ có quy mô khoảng 1.000 m2, không đủ không gian, diện tích đạt chuẩn một co-working space đúng nghĩa. Trong khi trên thế giới, quy mô diện tích phải từ 2.000 - 5.000 m2. Ông chủ của Cogo cũng đánh giá tổng diện tích văn phòng co-working ở Việt Nam hiện chỉ chiếm 0,5% thị trường văn phòng cho thuê. Trong khi trên thế giới, tỷ lệ này là 3 - 5% và dự báo sẽ tăng lên 10% trong vòng 3 năm tới. Vì vậy, quy mô thị trường Việt Nam 3 năm tới phải tăng gấp 10 lần mới tương xứng với tiềm năng hiện có.

Co-working space vẫn còn là một mô hình khá mới, chưa có báo cáo chính thức nào đánh giá về tỷ suất sinh lời của phân khúc này tại Việt Nam. Thậm chí, trên thế giới, đến cả đại gia WeWork - start-up chỉ xếp sau Uber và Airbnb tại Mỹ sau 8 năm hoạt động, vươn vòi ra khắp châu Á, đến giờ cũng chưa thoát lỗ và dự báo sẽ còn tiếp tục chu kỳ thua lỗ lên đến 1 tỷ USD/năm khi tiếp tục bành trướng. Một cuộc chiến sống còn và khó tiên lượng sẽ sớm diễn ra tại Việt Nam.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước