Cục Hàng không đề xuất tăng trần giá vé máy bay

Thùy Linh-Thứ tư, ngày 06/07/2022 17:11 GMT+7

VTV.vn - Cục Hàng không đã đề xuất tăng giá trần vé máy bay nội địa mức bằng thời điểm năm 2014, tăng trung bình 3,75% so với khung giá hiện hành.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trong giai đoạn chịu ảnh hưởng do giá nhiên liệu tăng cao, các doanh nghiệp hàng không chủ yếu đề xuất các giải pháp liên quan đến việc miễn, giảm thuế bảo vệ môi trường; giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không và cho phép phụ thu nhiên liệu hoặc điều chỉnh tăng trần khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.

Cục Hàng không Việt Nam cũng đã có văn bản báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải, trong đó đề xuất các giải pháp về giảm phí chuyên ngành hàng không; giảm thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm giá dịch vụ chuyên ngành hàng không và điều chỉnh tăng mức tối đa khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa.

Theo đó, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất điều chỉnh mức trần khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa về mức quy định tại thời điểm năm 2014 (tăng trung bình 3,75% so với khung giá quy định hiện hành).

Cục Hàng không đề xuất tăng trần giá vé máy bay - Ảnh 1.

Cục Hàng không cho biết đã đề xuất tăng giá trần vé máy bay nội địa 3,75%, bằng mức giá năm 2014. Ảnh minh họa.

Theo Cục Hàng không, dữ liệu thống kê diễn biến giá nhiên liệu bay Jet A1 của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế - IATA ngày 1/7/2022, giá nhiên liệu Jet A1 khu vực châu Á đã lên tới 153,59 USD/thùng. Dự báo giá Jet A1 bình quân năm 2022 là 143,4 USD/thùng. Đây cũng chính là vấn đề khiến những doanh nghiệp vận tải hàng không "đau đầu" nhất hiện nay.

Tính toán của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, với giả định tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm 39,5% tổng chi phí và các yếu tố chi phí khác không có biến động, chi phí nhiên liệu tháng 7/2022 của các hãng hàng không tăng 92,91% so với tháng 12/2014 và tăng 114,93% so với tháng 9/2015, tác động làm tổng chi phí tăng 39,61% so với tháng 12/2014 và tăng 46,51% so với tháng 9/2015.

Ngoài đề xuất tăng trần giá vé máy bay, Cục Hàng không Việt Nam cũng đề nghị áp dụng mức thu phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không… bằng 80% mức quy định.

Cơ quan này cũng đề nghị mức giảm tương tư với phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay. Cùng với đó, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị tiếp tục miễn, giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu bay đến hết năm 2023.

Đến nay, Cục Hàng không đã nhận được văn bản báo cáo của Công ty cổ phần thương mại xăng dầu Tân Sơn Nhất, Vietnam Airlines, Vietjet, Vietravel Airlines về ảnh hưởng của giá nhiên liệu tăng cao tới hoạt động sản xuất.

Vietnam Airlines cho biết, nếu giá Jet A1 duy trì ở mức 160 USD/thùng cho 6 tháng cuối năm 2022, chi phí ước tính sẽ tăng thêm 4.324 tỉ đồng.

Việc chi phí nhiên liệu tăng cao nếu không được tháo gỡ sẽ ảnh hưởng tới sản lượng khai thác toàn ngành, các hãng hàng không sẽ gặp khó khăn khi phục hồi, mở rộng mạng bay, thậm chí phải đóng bớt một số đường bay do không cân đối được chi phí.

Còn Vietjet Air cho biết theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, doanh thu hoạt động vận tải hàng không của hãng tiếp tục giảm 40% so với cùng kỳ năm 2020, lỗ gộp hoạt động vận tải hàng không là 2.085 tỉ đồng.

Năm 2022, Vietjet xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh trên cơ sở giá nhiên liệu bay ở mức 80 USD/thùng. Với giá Jet A1 hiện nay, hãng sẽ gánh thêm chi phí 6.500 - 7.500 tỉ đồng.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước