Hành khách làm thủ tục tại sân bay. (Ảnh: Dân trí)
Cụ thể, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho hay, năm nay dịch COVID-19 đã được kiểm soát, nhu cầu đi lại dịp Tết Nguyên đán sẽ rất lớn. Theo quy luật của thị trường, nhu cầu tăng đột biến, nguồn cung dù có tăng nhưng khó dư thừa, đương nhiên vé không thể rẻ. Tuy nhiên, nếu nói hiện tại đã cạn vé, chỉ còn vé hạng thương gia là chính xác
Cũng theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang quản lý chặt việc công bố giá vé của các hãng hàng không, đảm bảo không vượt quá khung giá quy định hiện hành. Ngoài việc yêu cầu các hãng hàng không phải báo cáo thường xuyên về vấn đề này, chúng tôi còn có những biện pháp hậu kiểm.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho hay, trường hợp hành khách phát hiện hãng hàng không mở bán vượt khung giá quy định, hãy thông báo cho Cục Hàng không Việt Nam. Đơn vị sẽ lập tức tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm nếu có.
Theo quy định tại Thông tư 17/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải về giá vận chuyển hành khách, trần giá vé máy bay (chưa bao gồm thuế phí) chặng TP Hồ Chí Minh đi Hà Nội/Thanh Hoá, Hải Phòng là 3,2 triệu đồng, TP Hồ Chí Minh - Vinh là 2,79 triệu đồng/lượt; TP Hồ Chí Minh - Đồng Hới là 2,2 triệu đồng/lượt.
Liên quan đến thông tin vé máy bay đang đắt gấp đôi, thậm chí gấp 3 năm ngoái, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết: "Nếu lấy giá vé ngày cao điểm của năm nay rồi so với một ngày bình thường của năm ngoái thì rất khó nói. Chưa kể trong cùng một ngày còn có khung giờ cao điểm và thấp điểm, giá vé cũng đã rất khác nhau.
Đó là chưa nói đến chuyện thời điểm này năm ngoái, rất nhiều người chưa mua vé bởi không biết dịch COVID-19 sẽ diễn biến ra sao. Nếu muốn so sánh, phải cùng một điều kiện, cùng một khung giờ, cùng một ngày cao điểm, cùng một hãng bay truyền thống hay giá rẻ..., nếu không sẽ rất khập khiễng.
Về vấn đề có cấp thêm slot (chuyến bay) cho các hãng hàng không để tăng lượng ghế cung ứng, đáp ứng nhu cầu đi lại tăng rất cao của người dân trong dịp Tết Nguyên đán, Phó Cục trưởng Đinh Việt Sơn khẳng định: Tăng thêm slot để chuyến bay nội địa là cần thiết. Nhưng phải cân đối với chất lượng dịch vụ, khả năng phục vụ của nhà ga.
Cơ bản các cảng hàng không trên cả nước đều có thể đáp ứng tối đa nhu cầu của hành khách. Vấn đề chỉ nằm ở "điểm nóng" Tân Sơn Nhất.
"Với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, chúng tôi có thể tăng năng lực khai thác hơn nữa với đường cất hạ cánh. Nhưng vấn đề lại nằm ở nhà ga. Hiện tại, nhà ga Tân Sơn Nhất chỉ đáp ứng tối đa khoảng 3.600 khách/giờ (2.000 khách ở sảnh A. 1600 ở sảnh E), tăng hơn nữa là ùn tắc. Đây là lý do Cục Hàng không đang giới hạn slot số chuyến lượt cất, hạ cánh tại đây ở mức 42 chuyến/giờ", ông Đinh Việt Sơn thông tin.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng khẳng định vẫn có thể bố trí thêm được chuyến bay trong một số khung giờ. Hiện vẫn còn 8 khung giờ ban ngày tại Tân Sơn Nhất có thể thêm slot. Cục Hàng không Việt Nam sẽ làm việc với các hãng hàng không, xem xét cấp thêm trên cơ sở đề nghị của các hãng. Dự kiến mỗi ngày sẽ có thêm khoảng 3.000 ghế cung ứng.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, ngoài việc cấp thêm slot cho các chuyến bay ban ngày, Cục cũng sẽ yêu cầu các hãng hàng không bố trí nguồn lực, tăng cường khai thác các chuyến bay vào ban đêm nhằm giảm ùn tắc tại các cảng hàng không vào các khung giờ ban ngày.
Để thực hiện tốt việc khai thác ban đêm, Cục Hàng không Việt Nam cũng sẽ chủ động yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chỉ đạo các cảng hàng không địa phương bố trí nguồn lực, trang thiết bị, đảm bảo phục vụ nhu cầu khai thác ban đêm theo đề nghị của các hãng hàng không. Hiện trong 8 khung giờ đêm (từ 24h - 6h sáng) vẫn còn cả trăm slot trống, có thể cung ứng thêm cả chục nghìn ghế.
Khuyến cáo hành khách đừng chờ cận Tết để hy vọng có vé rẻ, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết: Vào những mùa cao điểm, đặc biệt là cao điểm Tết, các hãng hàng không đều phải giải quyết bài toán chi phí cho các chuyến bay "lệch đầu". Tức là, có một chiều bay khách có nhu cầu rất lớn, còn chiều ngược lại có nhu cầu rất thấp. Do vậy, mức giá vé sẽ cao hơn thường lệ để đảm bảo hiệu quả chi phí, bù đắp chiều bay "rỗng" hoặc không đủ khách.
"Thông thường vào dịp giáp Tết, vé máy bay sẽ rất sốt chiều từ Nam ra Bắc. Ngược lại, những ngày sau Tết sẽ "sốt" vé chiều từ Bắc vào. Hay nói cách khác, giá vé theo chiều Nam - Bắc ngày giáp Tết và Bắc - Nam ngày sau Tết sẽ tăng rất cao. Chọn mua vé trên những chuyến bay lệch đầu (chiều từ Bắc vào Nam ngày giáp Tết và Nam ra Bắc những ngày sau Tết), kiểu gì cũng mua được rẻ.
Nếu không thể bay lệch đầu, chấp nhận bay vào những ngày cao điểm do thời gian nghỉ tết hạn hẹp, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cũng khuyến cáo hành khách nên nhanh chóng xác định thời điểm cần mua vé máy bay để chủ động đặt vé càng sớm càng tốt. Điều này đồng nghĩa với việc tăng cơ hội cho việc sở hữu được một tấm vé máy bay. Nếu để thời điểm cận Tết mới bắt đầu tìm mua vé máy bay, xác suất có được vé với giá hợp lý đương nhiên là rất thấp.
Để việc đi lại được thuận tiện trong dịp Tết, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam khuyến cáo hành khách chủ động làm thủ tục trực tuyến hoặc tại kiosk check-in của các hãng hàng không tại nhà ga.
Hành khách cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ tùy thân; hành khách cần kiểm tra kỹ giấy tờ tùy thân khi có kế hoạch đi tàu bay vì thực tế ghi nhận rất nhiều trường hợp hành khách đến sân bay mới phát hiện ra giấy tờ tùy thân đã hết hạn, bị từ chối thực hiện chuyến bay.
Hành khách cũng được khuyến khích sử dụng các phương tiện vận tải công cộng thay vì sử dụng phương tiện cá nhân đưa đón để giảm áp lực lên sân đỗ ô tô tại Nhà ga hành khách Nội Bài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!