Mua đồ tươi sống trực tuyến vốn là mảng thị trường mà nhóm doanh nghiệp siêu thị "một mình một chợ" trước dịch. Trong dịch, nhu cầu người dùng tăng, nhóm này tất nhiên không bỏ qua cơ hội. Tuy nhiên, thế trận đã thay đổi rất nhanh trong 2 tháng qua, các nhóm doanh nghiệp khác đua nhau mở dịch vụ này. Nhóm bán lẻ đa ngành có Bách hóa xanh của Thế giới di động. Nhóm nền tảng gọi xe công nghệ có Grab, Now tung dịch vụ đi chợ hộ. Nhóm thương mại điện tử có Lazada cũng vừa quyết định nhảy vào cuộc đua với khẳng định không phải là làm phong trào.
Việc bán hàng tươi sống online có một điểm rất khó là hàng đến tay khách phải tươi như khi đi chợ hay siêu thị. Chỉ cần 1 lần khách nhận hàng thấy không tươi thì rất có thể sẽ bỏ luôn và không mua lần sau nữa. Vấn đề này buộc mỗi doanh nghiệp phải tự đưa ra lời giải cho riêng mình.
Tại chuỗi Bách hóa xanh của ông lớn Thế giới di động, trung bình mỗi ngày có 3.000-4.000 đơn hàng online, những ngày cao điểm nhất có thể lên đến 6.000 đơn hàng. Tuy nhiên, từ đây cũng bộ lộ ra những hạn chế trong việc quản trị chuỗi cung ứng giao vận, gặp tình trạng hụt hàng, hoặc hàng chưa đáp ứng được nhu cầu của khách... bất chấp việc doanh nghiệp đã có sẵn chuỗi 500 cửa hàng bách hóa và các tổng kho. Do đó, dự kiến doanh nghiệp sẽ mở mới 3 trung tâm phân phối để phục vụ việc giao đồ tươi sống online.
Theo Tổ chức nghiên cứu Hexa Research, thị trường dịch vụ giao thực phẩm toàn cầu sẽ đạt giá trị gần 9 tỷ USD đến năm 2025, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt gần 18%. Giới chuyên gia cho rằng tại Việt Nam, nhu cầu đặt mua hàng tươi sống luôn có, nhưng trước đây có quá ít doanh nghiệp làm tốt giúp kích thích thị trường này phát triển. Đại dịch COVID-19 vô hình trung tạo ra cơ hội để thúc đẩy các doanh nghiệp tập trung hơn vào mảng này, hứa hẹn mở ra cuộc cạnh tranh mới đầy sôi động sắp tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!