Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về tiêu thụ mì gói (mì ăn liền) với quy mô thị trường hơn 24.000 tỷ đồng. Liên quan đến vấn đề trên, tờ Thời báo kinh doanh đưa ra góc nhìn: Mỳ ăn liền à? Thực sự là một cuộc chiến không ăn liền chút nào.
Có đến hơn 50 doanh nghiệp cả nội lẫn ngoại đều chạy đua trên từng sợi mỳ và tính chất cuộc chiến này là mỗi người một mảnh đất. Doanh nghiệp ngoại ăn nên làm ra trên phần đất thành thị, khi đánh vào phân khúc cao và trung cấp, cuộc chơi này là của các công ty Nhật, Hàn, Thái. Nếu thành thị là thánh địa của mỳ ngoại thì nông thôn là thị trường của mỳ nội, 60% thị phần với lợi thế chính là giá rẻ.
Nếu quan sát kỹ các quảng cáo trên tivi sẽ thấy trung bình cứ 30 giây lại xuất hiện một tô mỳ hấp dẫn. Hiện cách nhìn của người tiêu dùng về mỳ ăn liền cũng chuyển biến rõ rệt theo sự phát triển kinh tế. Ai nói mỳ ăn liền là món rẻ tiền nên xem lại bởi thị phần của những gói mỳ 24.000 - 35.000 đồng/gói đang âm thầm nhích lên sau từng báo cáo. Điều kiện kinh tế của người tiêu dùng tăng lên đáng tiếc lại là lợi thế của khối ngoại.
Không phải ngẫu nhiên tờ Asahi Shimbun của Nhật dành một phần diện tích trang báo cho thị trường mỳ ăn liền tại Việt Nam. Tờ này đánh giá, tăng trưởng kinh tế làm thay đổi lối sống người Việt và các nhà sản xuất Nhật xem đây là cơ hội lý tưởng cho kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình. Ramen truyền thống Nhật giờ đã nằm sẵn trên kệ siêu thị Việt với mức giá đắt hơn một bát phở bò.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.