Trong phiên tòa, Vinasun và Grab không cung cấp thêm tài liệu gì. Việc Vinasun có thực sự bị thiệt hại 41,2 tỷ đồng do Grab hay không vẫn là dấu hỏi lớn.
Luật sư Nguyễn Quang Đức - Đại diện nguyên đơn Vinasun cho biết: "Để tính toán con số thiệt hại trực tiếp kiểm đếm được thì công ty Cửu Long chỉ sử dụng 2 thiệt hại: Thiệt hại do xe nằm bãi không kinh doanh và thiệt hại từ giảm vốn hóa thị trường của doanh nghiệp. Trong đó, thiệt hại do phía Grab gây ra là 85,9 tỷ đồng".
Luật sư Lưu Tiến Dũng - Đại diện Bị đơn Grab nói: "Bản thân các báo cáo của công ty chứng khoán có thể không chính xác, không toàn diện mà công ty Cửu Long đưa ra để xem xét, quá nực cười".
Bắt đầu phiên xử chiều 23/11 vẫn tiếp tục là những tranh luận của cả 2 phía nguyên đơn và bị đơn về tính chính xác của bản chứng thư giám định. Gần 3 tiếng trôi qua, phiên tòa chỉ đi đến kết luận duy nhất là ngày xét xử tiếp theo sẽ vào 30/11.
Thẩm phán Lê Công Toại - Chủ tọa nói: "Đây là phiên tòa rất phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nên phiên tòa kéo dài để có đủ thời gian Hội đồng xét xử ra bán án chính xác vì nó liên quan đến nhiều đối tượng chứ không chỉ có 2 đương sự".
Sự mệt mỏi của chính những người tham dự phiên tòa có lẽ sẽ phải kéo dài thêm nhiều ngày nữa khi cuộc chiến Vinasun - Grab vẫn chưa thể đi đến hồi kết.
Mở lại phiên xét xử vụ kiện Vinasun - Grab VTV.vn - Hôm nay (22/11), Tòa án Nhân dân TP.HCM mở lại phiên xét xử vụ kiện đòi bồi thường ngoài hợp đồng giữa CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Công ty TNHH Grab Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!