Giữa tuần trước, Tổ chức Thương mại thế giới đã ra phán quyết rằng, 4 nước châu Âu đã trợ cấp bất hợp pháp cho hãng sản xuất máy bay Airbus, gây thiệt hại cho hãng Boeing của Mỹ. Phán quyết cho phép Mỹ tăng thuế lên hàng hóa châu Âu để thu hồi số tiền bị thiệt hại, khoảng 7,5 tỷ USD mỗi năm. Trong lịch sử, chưa khi nào Tổ chức Thương mại Thế giới ấn định một mức phạt lớn đến như vậy.
Nhiều tờ báo châu Âu bất bình trước phán quyết của Tổ chức Thương mại thế giới. Bất bình trước hết là do Tổ chức Thương mại Thế giới thay vì hòa giải lại đang thúc đẩy hai bên đối đầu nhau. Tờ Le Figaro ra tại Pháp trong bài báo "Cuộc đọ sức Airbus-Boeing làm sống lại cuộc chiến thương mại giữa châu Âu và Mỹ", có viết rằng: "Tổ chức Thương mại thế giới cho phép Mỹ áp thuế lên hàng hóa châu Âu, để rồi mấy tháng nữa lại sẽ cho phép châu Âu áp thuế lên hàng hoá của Mỹ". "Những quyết định đó tạo ra căng thẳng leo thang giữa Mỹ và châu Âu". Tổ chức Thương mại Thế giới là một diễn đàn thương lượng nay lại gián tiếp thúc đẩy các bên lao vào chiến tranh thương mại, như vậy có còn giữ được uy tín chính đáng hay không?
Các nước châu Âu bị thua kiện là do đã dùng ngân sách nhà nước trợ cấp cho hãng máy bay của mình. Tờ Cinco Días ra tại Tây Ban Nha cho rằng, có thể áp dụng lý do đó cho mọi ngành công nghiệp của bất kỳ nước nào. Vì khởi thủy ngành công nghiệp nào cũng cần nhà nước hỗ trợ? Mặt khác, theo bài báo "Hỗ trợ ban đầu từ ngân sách công của các nước châu Âu khi tạo dựng hãng Airbus đã giúp phá vỡ thế độc quyền của hãng Boeing trên thị trường hồi những năm 1970". "Không có Airbus, Boeing sẽ có thể tăng giá thêm 40% đối với dòng máy bay 767" nhờ ưu thế một mình một chợ trên thị trường. N
Như vậy, có thể nói là trợ cấp ban đầu của châu Âu đã thúc đẩy cạnh tranh. Bài báo nhấn mạnh, ở tất cả các nước, cho tới bây giờ "các sân bay, điều khiển không lưu, cho tới nhiên liệu máy bay, đều được hưởng chính sách trợ giá của nhà nước, hoặc là được miễn trừ mọi thứ thuế".
Thị trường máy bay dân dụng đã thay đổi rất nhiều kể từ khi Mỹ và châu Âu khởi kiện lẫn nhau cách đây 15 năm. Khi đó chỉ có Boeing và Airbus. Giờ đây, một số hãng khác cũng ngấp nghé tham gia thị trường. Tờ Tin điện hàng ngày ra tại Irlande viết: "Tổ chức Thương mại Thế giới có thể có lý khi phân xử hành vi trợ cấp không công bằng, nhưng hậu quả của phán quyết đang đi ngược lại với mục đích phán quyết". "Trong khi Mỹ và châu Âu được phép sát phạt lẫn nhau vì lỗi đã dùng tiền nhà nước trợ cấp phần nào cho doanh nghiệp, làm méo mó thị trường máy bay thì hãng sản xuất máy bay Comac do nhà nước Trung Quốc sở hữu lại không bị chê trách gì cả, thong dong phát triển, để rồi tới ngày nào đó cạnh tranh với cả Airbus lẫn Boeing".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!