Đa dạng hóa nguồn vốn huy động để giảm lãi suất cho vay

VTV Digital-Chủ nhật, ngày 18/12/2022 10:46 GMT+7

VTV.vn - Để giảm lãi suất cho vay, hoặc giữ lãi suất cho vay không tăng cao, một trong những hướng đi của các ngân hàng là tìm cách đa dạng, tìm kiếm nguồn vốn đầu vào giá rẻ hơn.

Nhiều ngân hàng huy động nguồn vốn quốc tế

Lãi suất huy động tăng, làm sao để lãi suất cho vay ra vẫn giữ được ở mức hợp lý, hoặc giảm thấp hơn, đây là câu hỏi không dễ trả lời. Thời gian qua, ngày càng có nhiều ngân hàng tìm cách huy động các nguồn vốn quốc tế có mức lãi suất thấp hơn, để tìm câu trả lời cho vấn đề này.

Hiện có khoảng gần chục ngân hàng trong nước huy động thành công các nguồn vốn quốc tế, thường là của các tổ chức lớn như Ngân hàng Thế giới (World Bank), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hay các tập đoàn tài chính toàn cầu khác.

Huy động vốn quốc tế để nâng cao khả năng thanh khoản

Đa dạng hóa nguồn vốn huy động để giảm lãi suất cho vay - Ảnh 1.

Nguồn vốn từ khoản vay quốc tế sẽ được bổ sung vào cơ cấu vốn của các ngân hàng, giúp tăng cường sự ổn định trước biến động của thị trường. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

Thời gian qua, nhiều ngân hàng trong nước như VPBank, SeaBank, VIB đều thông tin là vay hợp vốn quốc tế được từ vài trăm triệu đến cả tỷ USD. Vì huy động bằng USD nên lãi suất vay cũng được tính theo lãi suất USD từng thời kỳ và thường kỳ lãi suất đồng USD luôn thấp hơn so với mặt bằng lãi suất trong nước. Vì vậy, nguồn vốn nước ngoài luôn hấp dẫn các ngân hàng trong nước.

Huy động được hơn 500 triệu USD từ các tổ chức tài chính quốc tế lớn, ngân hàng SeABank đã dành riêng để cho vay ưu đãi, chấp nhận cả cho vay thấu chi, không có tài sản đảm bảo để hỗ trợ doanh nghiệp.

"Những khoản cấp vốn này sẽ được phân bổ vào một số ngành gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, ví dụ như doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, hoặc các dự án xanh, chống biến đổi khí hậu. Khi cho vay, chúng tôi cũng nhận được sự tư vấn từ các định chế tài chính quốc tế vì họ có nhiều kinh nghiệm về thị trường nói chung nên sự đồng hành của các tổ chức này sẽ giúp việc triển khai cho vay dễ dàng hơn", ông Loic Faussier, Phó Tổng Giám đốc cao cấp phụ trách điều hành, ngân hàng SeABank, cho biết.

Từ 5 năm trước, ngân hàng VPBank đã huy động thành công các nguồn vốn quốc tế. Lợi ích lớn nhất là giúp ngân hàng đảm bảo khả năng thanh khoản trong dài hạn, vì các khoản vay quốc tế thường kéo dài 5 - 7 năm. Năm nay, họ huy động được 1,2 tỷ USD với lãi suất thấp để dành cho vay trong nước.

"Toàn bộ nguồn vốn đó chuyển sang lãi suất cố định. Chúng tôi được hưởng lãi suất rất thấp và chi phí vốn thấp để hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và tài trợ xanh. Cho đến nay, doanh nghiệp vừa và nhỏ và tài trợ xanh vẫn được hưởng ưu đãi lãi suất đến 1,5% so với lãi suất thông thường nhờ nguồn đó", bà Võ Hằng Phương, Giám đốc khối Ngân hàng giao dịch và Định chế quốc tế, ngân hàng VPBank, cho hay.

"Những nguồn vốn huy động từ quốc tế, với lãi suất thấp hơn, đâu đó khoảng 5 - 6% thì rõ ràng thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng lãi suất huy động hiện tại tới 10%, hoặc phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước thời điểm hiện tại đối với các ngân hàng cũng tương đối khó khăn. Vì vậy, nếu các ngân hàng thương mại huy động được vốn nước ngoài thì đây là nguồn vốn quý giá để các ngân hàng có thể giảm lãi suất cho vay hoặc cải thiện các hệ số an toàn vốn", ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán KBSV, nhận định.

Bên cạnh việc đảm bảo thanh khoản dài hạn, các ngân hàng còn được các tổ chức quốc tế hỗ trợ nâng cao quản trị, nhằm tăng cường hiệu quả khi cho vay.

Đảm bảo cơ cấu nguồn vốn bền vững hơn

Các ngân hàng sẽ không thể chủ quan khi vay vốn quốc tế. Tuy nhiên, nguồn vốn từ khoản vay quốc tế sẽ được bổ sung vào cơ cấu vốn của các ngân hàng, giúp tăng cường sự ổn định trước biến động của thị trường. Đặc biệt, khi Ngân hàng Nhà nước ngày càng đưa ra yêu cầu cao hơn về các tỷ lệ an toàn vốn. Từ đầu tháng 10/2022, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đã bị giảm từ 37% xuống 34% và dự kiến tiếp tục giảm về 30% vào 1/10/2023. Đảm bảo cơ cấu vốn bền vững hơn cũng là mục tiêu nhiều ngân hàng hướng tới khi huy động vốn quốc tế.

Ngân hàng MSB đã gọi vốn quốc tế được hơn 110 triệu USD nhờ áp dụng sớm các tiêu chuẩn an toàn vốn quốc tế như Basel III, giúp ngân hàng nâng cao năng lực quản trị và khả năng tiếp cận vốn.

"Từ năm 2020 đến nay, chúng tôi đã dịch chuyển và áp dụng chuẩn mực cao hơn. Thứ nhất là với rủi ro tín dụng, chúng tôi đang áp dụng phương pháp xếp hạng nội bộ là phương pháp nâng cao. Đối với rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động hay rủi ro thanh khoản, chúng tôi đang áp dụng đo lường theo chuẩn mực Basel III", bà Lê Cẩm Thúy, Giám đốc khối Quản lý rủi ro MSB, cho biết.

Để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế cao hơn đòi hỏi các ngân hàng phải thay đổi khung quản trị, thậm chí chấp nhận bỏ chi phí nhiều hơn, giảm lãi trong ngắn hạn để đầu tư cho sự phát triển trong dài hạn.

"Các định chế quốc tế cho vay VPBank cũng tham gia hỗ trợ VPBank tăng cường khung quản trị rủi ro của ngân hàng theo tiêu chuẩn quốc tế, ví dụ như, theo luật của Việt Nam, một định chế tài chính có thể cho vay tối đa lên đến 25% vốn chủ sở hữu cho một tập đoàn kinh tế. Tuy nhiên, với định chế quốc tế mà VPBank vay thì họ quy định tối đa chỉ lên đến 15%", bà Võ Hằng Phương, Giám đốc khối Ngân hàng giao dịch và Định chế quốc tế, ngân hàng VPBank, thông tin.

Nhiều ngân hàng cũng cho biết, các nguồn vốn quốc tế có nhiều quy định khắt khe khi cho vay đòi hỏi cả ngân hàng và doanh nghiệp vay vốn phải có uy tín, năng lực tài chính, đồng thời công khai, minh bạch thông tin.

Các tổ chức tín dụng đồng thuận ổn định mặt bằng lãi suất

Trong tuần qua, Hiệp hội Ngân hàng cũng đã họp bàn với tất cả các ngân hàng thương mại để thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Hiệp hội Ngân hàng đã kêu gọi các tổ chức tín dụng thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tối đa là 9,5%/năm, ở tất cả các kỳ hạn, đặc biệt mức 9,5% này phải bao gồm cả các khoản khuyến mại cộng tặng kèm khi gửi tiết kiệm, từ đó có điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Theo Hiệp hội Ngân hàng, dù thị trường ngoại tệ, tỷ giá đã bớt căng thẳng, tuy nhiên vẫn có ngân hàng huy động lãi suất cao trên 11%/năm. Vì vậy, việc các ngân hàng đồng thuận điều chỉnh lãi suất huy động sẽ giảm sức ép với mặt bằng lãi suất cho vay. Quan trọng là các ngân hàng cần sự đảm bảo thanh khoản từ phía Ngân hàng Nhà nước.

Đa dạng hóa nguồn vốn huy động để giảm lãi suất cho vay - Ảnh 2.

Việc các ngân hàng đồng thuận điều chỉnh lãi suất huy động sẽ giảm sức ép với mặt bằng lãi suất cho vay. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

"Chúng tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước không đấu thầu lãi suất nữa, mà đấu thầu khối lượng thôi, đưa số lượng ra nhiều thì ngân hàng mới có nguồn vốn cho các doanh nghiệp sản xuất vay", ông Lê Đăng Khoa, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SHB, đề xuất.

Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẵn sàng hỗ trợ đảm bảo thanh khoản cho hệ thống để có điều kiện hạ nhiệt mặt bằng lãi suất. Trong hơn 1 tuần qua, cơ quan điều hành đã kéo dài kỳ hạn cho vay qua thị trường mở lên 91 ngày, thay vì mức 14 ngày như thường lệ.

"Giảm lãi suất quan trọng nhất vẫn là giảm chi phí hoạt động của chính chúng ta, cắt giảm tất cả những gì có thể được để chúng ta có điều kiện giảm lãi suất và giảm lợi nhuận chúng ta đặt ra, trong đó hạ lãi suất kể cả huy động và cho vay. Còn những ngân hàng nhỏ, ngân hàng nào khó khăn thanh khoản thì Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ bằng những giải phải khác và sẵn sàng xem xét từng trường hợp cụ thể của từng ngân hàng thương mại cụ thể", Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Một số ngân hàng cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước cần có chế tài, quy định chặt chẽ để tránh tình trạng giảm lãi suất, nhưng lại tăng thêm các khoản phí, gây thêm gánh nặng cho doanh nghiệp và làm gia tăng áp lực phải cạnh tranh lãi suất giữa các ngân hàng.

Dòng vốn trong nền kinh tế được khơi thông giống như mạch máu trong cơ thể được luân chuyển giúp các tế bào phát triển, đặc biệt là khi nguồn vốn được cấp ra với mức lãi suất thấp. Thực tế cho thấy vẫn có nhiều cơ hội để các tổ chức tín dụng mở rộng dòng vốn nhằm tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay.

16 ngân hàng cam kết giảm lãi suất cho vay 16 ngân hàng cam kết giảm lãi suất cho vay

VTV.vn - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, hiện có 16 tổ chức tín dụng đã đăng ký, cam kết giảm lãi suất cho vay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước