Đã dành được khoảng 680.000 tỷ đồng để cải cách tiền lương

Thuỳ An-Thứ hai, ngày 20/05/2024 11:04 GMT+7

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái

VTV.vn - Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ xây dựng phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng. Bên cạnh đó là triển khai chính sách tiền lương mới từ ngày 1/7/2024.

Kinh tế duy trì đà phát triển tích cực

Sáng 20/5, thay mặt Chính phủ, trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, trong những tháng đầu năm 2024, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.

Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66% cao nhất trong giai đoạn 2020-2023. Theo Phó Thủ tướng, đây là nỗ lực lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ. 4 tháng đầu năm, thu NSNN đạt 43,1% dự toán (tăng 10,1%). Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 123,64 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa ước xuất siêu 8,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 7,66 tỷ USD). Giải ngân vốn đầu tư công đạt 17,46% kế hoạch, cao nhất trong 4 năm trở lại đây...

"Kinh tế duy trì đà phát triển tích cực ở cả 3 khu vực. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng khá, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết.

Đã dành được khoảng 680.000 tỷ đồng để cải cách tiền lương - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội

Bên cạnh đó, tình hình lao động, việc làm phục hồi tích cực; tăng cường kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ người lao động tìm việc làm; thu nhập của người lao động tăng lên. Theo thống kê, quý I/2024, lực lượng lao động đạt 51,3 triệu người (tăng 174.100 so với cùng kỳ). Thu nhập bình quân của người lao động là 7,6 triệu đồng (tăng 549.000 đồng).

Theo Phó Thủ tướng, thời gian qua, Chính phủ đã tập trung triển khai các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới; công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được triển khai tích cực. Đến 13/5, đã có 54/56 địa phương thực hiện phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính, dự kiến sắp xếp 47 đơn vị hành chính cấp huyện, giảm 13 đơn vị; dự kiến sắp xếp 1.247 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 624 đơn vị.

Thị trường bất động sản phục hồi chậm

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong báo cáo, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức.

Theo đó, sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn cao, nhất là trong kiểm soát lạm phát, điều hành lãi suất, tỷ giá; tăng trưởng tín dụng còn thấp. Giá vàng thế giới và trong nước biến động mạnh.

Tăng trưởng kinh tế mặc dù đạt kết quả khá nhưng còn đối mặt với nhiều thách thức. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn. Trong 4 tháng đầu năm, cả nước có gần 86.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 12,2% so với cùng kỳ.

Thị trường bất động sản phục hồi chậm, tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng chưa đạt yêu cầu. Tiến độ một số dự án cao tốc, giao thông trọng điểm, giải phóng mặt bằng còn chậm…

"Chính phủ đánh giá, những tồn tại, yếu kém nội tại của nền kinh tế kéo dài từ lâu, bộc lộ rõ hơn trong điều kiện khó khăn, trong đó có các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, ngân hàng yếu kém. Công tác phân tích, dự báo và phản ứng chính sách trong một số trường hợp còn chưa kịp thời, hiệu quả. Một số cán bộ, công chức còn chưa chủ động, quyết liệt, còn tâm lý né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm…", Phó Thủ tướng cho biết.

Năm nay hoàn thành chuyển giao 3 ngân hàng mua bắt buộc

Về xử lý các vấn đề, dự án tồn đọng kéo dài, trong báo cáo, Chính phủ cho biết đã chuẩn bị hồ sơ, điều kiện để xem xét phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống. Cụ thể đã hoàn thành việc định giá 3 ngân hàng mua bắt buộc và dự kiến trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc trong tháng 5/2024, hoàn thành chuyển giao bắt buộc trong năm 2024.

Đã dành được khoảng 680.000 tỷ đồng để cải cách tiền lương - Ảnh 2.

Theo kế hoạch, năm nay sẽ hoàn thành chuyển giao 3 ngân hàng mua bắt buộc

Đề án cơ cấu lại Ngân hàng Phát triển Việt Nam được triển khai và đạt kết quả bước đầu. Theo báo cáo, tình hình tài chính của ngân hàng đã được cân đối, lỗ lũy kế, nợ có xu hướng giảm. Tính đến ngày 30/4/2024, số lỗ lũy kế đã giảm 20%; nợ xấu tín dụng chịu rủi ro đã giảm 37,7% (giảm 15.000 tỷ). Bộ máy tổ chức đã tinh giản còn 30 đầu mối, giảm 35%.

Ba nhà máy phân đạm đang cơ cấu lại nợ vay, bước đầu đã có lãi. Trong 4 tháng đầu năm, tổng doanh thu của 3 dự án nhà máy phân đạm (Hà Bắc, Ninh Bình và DAP số 2 Lào Cai) đạt 3.937 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 75,2 tỷ đồng; sản phẩm được tiêu thụ toàn bộ, máy móc vận hành ổn định ở công suất cao (trên 90%)...

Triển khai chính sách tiền lương mới từ ngày 1/7/2024

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Các động lực tăng trưởng mới gồm đổi mới thể chế, cơ chế, chính sách; liên kết vùng; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực mới như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…

Tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm lãi suất, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ và miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Dự kiến, Chính phủ sẽ ban hành các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí trong 6 tháng cuối năm 2024 với tổng số tiền dự kiến khoảng 98.000 tỷ đồng; trong đó có giảm 2% thuế giá trị gia tăng.

Quyết liệt triển khai ngay các giải pháp ổn định thị trường vàng theo quy định. Chính phủ sẽ chỉ đạo triển khai ngay các giải pháp thu hẹp chênh lệch giá vàng miếng trong nước và quốc tế. Yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh vàng thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trước ngày 15/6/2024.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng; hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 15% và giảm lãi suất cho vay 1-2%.

Tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, tập trung chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém.

Đã dành được khoảng 680.000 tỷ đồng để cải cách tiền lương - Ảnh 3.

Theo Phó Thủ tướng, tính đến hết năm 2023, đã dành được khoảng 680.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới

Về các chính sách xã hội, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; mở rộng và nâng mức trợ cấp xã hội. Xây dựng phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng.

Triển khai chính sách tiền lương mới từ ngày 1/7/2024. Hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trong tháng 9/2024.

"Tính đến hết năm 2023, đã dành được khoảng 680.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước