Đảm bảo đủ than cho sản xuất điện

Khánh Linh-Thứ tư, ngày 27/12/2023 06:13 GMT+7

VTV.vn - Để đảm bảo đủ nguồn cung than cho sản xuất điện trong giai đoạn tới, nhiều giải pháp đang được ngành than tính tới.

Phấn đấu đảm bảo tiến độ đường dây 500 kV mạch 3

Nhằm đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân trong thời gian tới, mới đây Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 1412. Nội dung công điện nêu rõ cần chỉ đạo tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện năm 2024 và các năm tiếp theo.

Một trong những nội dung được Thủ tướng chỉ đạo là các bộ, ngành, các đơn vị liên quan phải đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, cấp bách của ngành điện, trong đó dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên); phấn đấu hoàn thành và đóng điện toàn bộ công trình trong tháng 6 năm sau.

Ngay sau chỉ đạo trên của Thủ tướng Chính phủ, hiện nhiều gói thầu của dự án đường dây 500 kV mạch 3 đang gấp rút triển khai để bảo đảm cung ứng đủ điện, phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân tại miền Bắc trong những năm tới.

Tháng 11 vừa qua, trụ móng số 112 thuộc gói thầu số 5 của dự án đường dây 500 kV mạch 3 đoạn Thanh Hóa - Nam Định 1 đã được triển khai ngay khi được địa phương bàn giao mặt bằng.

"Đối với gói thầu số 5, chúng tôi cam kết khi chủ đầu tư bàn giao mặt bằng đúng tiến độ thì đơn vị sẽ dồn toàn bộ nhân lực, máy móc thiết bị, sẽ đảm bảo tiến độ đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư", ông Đoàn Hồng Sơn, Đại diện nhà thầu Công ty CP Sông Đà 11, cho biết.

Với chiều dài 514 km, được nối từ Quảng Trạch (Quảng Bình) ra Phố Nối (Hưng Yên), dự án có tổng vốn đầu tư 23.000 tỷ đồng. Với mục tiêu phải hoàn thành vào tháng 6 năm sau, nên tiến độ trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng là yêu cầu đặt ra đối với 9 địa phương có tuyến đường dây đi qua.

"Xác định đây là dự án trọng điểm quốc gia, giúp thúc đẩy kinh tế - xã hội nên huyện Hậu lộc đã tập trung chỉ đạo để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng, huyện Hậu Lộc cam kết bàn giao mặt bằng trước ngày 29/2/2024", ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa, nhấn mạnh.

"Thách thức lớn nhất của dự án hiện nay là công tác giải phóng mặt bằng, giải phóng toàn bộ phần chân móng cột trước ngày 31/1/2024 và hành lang tuyến trước ngày 29/2/2024; rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành của địa phương cũng như sự đồng tình, ủng hộ nhường đất cho dự án của người dân nơi dự án đi qua", ông Trần Kim Vũ, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc, cho hay.

Theo tính toán, đường dây truyền tải 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) sẽ đảm bảo truyền tải trên 20 tỷ kWh điện thương phẩm mỗi năm.

Kiên quyết không để xảy ra mất cân bằng cung cầu điện

Theo mục tiêu đặt ra, tháng 6/2024 sẽ đóng điện dự án đường dây 500 kV mạch 3. Tuy nhiên trong thời gian đó, các giải pháp về đảm bảo cung ứng điện cho khu vực miền Bắc, nhất là mùa khô năm sau cũng đã được tính đến.

"Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty và các đơn vị liên quan triển khai giải pháp đồng bộ. Ví dụ như việc đảm bảo nhiên liệu, đặc biệt là nhiên liệu than cho phát điện; rà soát, kiểm tra các thiết bị điện và khắc phục các khiếm khuyết nếu có; kiên quyết không để xảy ra chuyện mất cân bằng cung cầu điện do những nguyên nhân chủ quan", ông Nguyễn Thế Hữu, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương, thông tin.

Đảm bảo cung ứng đủ than cho sản xuất điện năm 2024

Đảm bảo đủ than cho sản xuất điện - Ảnh 1.

Hoạt động khai thác than tại một mỏ than ở thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: TTXVN)

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, lũy kế đến hết tháng 11 năm nay, sản lượng điện toàn hệ thống đạt trên 257 tỷ kWh, trong đó tỷ lệ huy động các nguồn điện như thủy điện chiếm gần 30%, nhiệt điện than chiếm gần 45,7%, năng lượng tái tạo là 13,5%, tua bin khí là gần 10%... Như vậy, nhiệt điện than và thủy điện vẫn đang là những nguồn điện chính để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất.

Dự kiến cả năm nay, các nhà máy nhiệt điện trên cả nước tiêu thụ khoảng 70 triệu tấn than. Để đảm bảo đủ nguồn cung than cho sản xuất điện trong giai đoạn tới, nhiều giải pháp đang được ngành than tính tới.

Hiện nay, Công ty CP Than Cao Sơn, Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam đang nỗ lực đẩy cao nhịp độ sản xuất, hoàn thành chỉ tiêu khai thác 3,5 triệu tấn than của cả năm 2023. Theo đại diện doanh nghiệp, năm 2024 để nâng công suất khai thác thêm 10% theo kế hoạch được giao sẽ là thách thức lớn.

Bộ Công Thương dự báo, năm 2024, trên cả nước sản lượng than cần đủ cho sản xuất điện ước khoảng trên 74 triệu tấn, như vậy để đảm bảo nguồn cung than cho sản xuất điện, việc tháo gỡ khó khăn, nâng sản lượng khai thác là yêu cầu đặt ra.

"Với công nghệ hiện nay, chúng tôi hoàn toàn đáp ứng được từ 14 - 15 triệu, nhưng sản lượng hiện nay tập đoàn đang giao là trên 12 triệu tấn, do vậy năng lực vẫn đang dư thừa, đặc biệt là vấn đề công nghệ thì chúng tôi đáp ứng được tất cả các đơn hàng khó tính nhất trên thế giới", ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Giám đốc Công ty Tuyển Than Cửa Ông, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, cho biết.

"Ủy ban cũng đã chủ động phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đặc biệt là với Cục Khoáng sản để tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, trên cơ sở đó tạo điều kiện thuận lợi nâng công suất khai thác than phục vụ phát triển kinh tế - xã hội" ông Hồ Công Trung, Phó Vụ trưởng Vụ năng lượng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, cho hay.

Nhằm đảm bảo đủ than cho sản xuất điện, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị liên quan thường xuyên cập nhật kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia để kịp thời điều chỉnh kế hoạch chuẩn bị nguồn than; đảm bảo cung cấp đủ, ổn định than cho hoạt động của nhà máy trong suốt thời gian tồn tại với giá than cạnh tranh và hiệu quả. Trong mọi trường hợp không được để đứt gãy nguồn cung ứng than và thiếu than cho sản xuất điện.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, năm 2024, tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện và nhập khẩu của toàn quốc là trên 306 tỷ kWh, bám sát mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2024. Trong đó, các nguồn điện than, thủy điện và nguồn điện tuabin khí vẫn đóng vai trò quan trọng.

Các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục được huy động theo nhu cầu phụ tải điện và khả năng hấp thụ của lưới điện. Ngoài ra, Bộ Công Thương xác định, việc thực hiện các chương trình về quản lý nhu cầu điện và sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả cũng là một giải pháp rất quan trọng nhằm đảm bảo cung cấp điện năm 2024 và các năm tiếp theo.

Chi phí sản xuất điện tăng cao Chi phí sản xuất điện tăng cao

VTV.vn - Chi phí đầu vào tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ tới giá thành điện đầu ra và hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành điện.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước