Chỉ 3 tuần sau khi Việt Nam và Đan Mạch thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh, một phái đoàn nông nghiệp và thực phẩm bền vững của Đan Mạch đã có mặt tại TP Hồ Chí Minh để trao đổi các giải pháp về tiết kiệm tài nguyên và sản xuất bền vững trong ngành.
Với việc sản xuất lương thực nhiều gấp 3 lần mức dân số quốc gia này tiêu thụ, cùng lượng phát thải khí nhà kính thấp nhất ở châu Âu… những ví dụ từ Đan Mạch được kỳ vọng có thể chuyển giao qua Việt Nam thông qua các hợp tác chiến lược trong nông nghiệp.
Với hơn 90% lượng khí nhà kính trong hoạt động sản xuất thịt từ các trang trại, tại Đan Mạch, các nông hộ sẽ chia sẻ dữ liệu chăn nuôi thông qua việc báo cáo sử dụng thức ăn và mức tăng trọng lượng. Từ đó, sẽ tính toán lượng khí thải carbon trên mỗi kg sản phẩm và thông tin đến người tiêu dùng. Đây chỉ là một trong số rất nhiều ví dụ được đưa ra tại hội thảo.
Bà Mie Lauritzen - Giám đốc Tổ chức Food Nation cho hay: "Khi lựa chọn sản xuất nông nghiệp bền vững, chúng tôi đã đầu tư các phương pháp và cách tiếp cận sáng tạo trong chuỗi giá trị. Công nghệ có thể xem là yếu tố cốt lõi để thực hành nông nghiệp xanh. Trí tuệ nhân tạo, máy bay không người lái và các giải pháp quản lý dữ liệu đóng góp rất lớn vào kiểm soát chuỗi giá trị thực phẩm".
Sản xuất nông nghiệp ở Đan Mạch. Ảnh: Food Nation.
Nhiều công ty của Đan Mạch cũng đang tìm kiếm các đối tác về công nghệ tại Việt Nam, cùng với các hỗ trợ tài chính.
Ông Henrik Jensen - Công ty Simatek A/S cho hay: "Năm ngoái, chúng tôi đã gặp gỡ một số đối tác Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất cà phê. Nhiều công ty sẽ ngại đầu tư vào công nghệ vì đó là số vốn lớn ban đầu nhưng rõ ràng nó sẽ mang lại nhiều giá trị gia tăng về sau. Chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ các đối tác Việt Nam trong việc tìm các nguồn tài chính phù hợp để chuyển đổi công nghệ".
Bà Matte Ekeroth - Phó Đại sứ - Đại sứ quán Đan Mạch đánh giá: "Việc thực hành nông nghiệp bền vững theo tôi có ý nghĩa lớn với các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam xuất vào EU bởi khi các tiêu chuẩn cao hơn được đáp ứng, đồng nghĩa với việc bạn có thể bán được giá cao hơn, giá trị cao hơn và phân khúc khách hàng cũng tốt hơn".
Khả năng sản xuất ra nhiều lương thực hơn cùng với việc giảm phát thải trên mỗi ha đất canh tác đang trở thành thách thức của ngành nông nghiệp. Trong vòng 30 năm qua, sản lượng thực phẩm của Đan Mạch đã tăng gần 1/3 với lượng phát thải giảm 16%, thông qua chiến lược sử dụng công nghệ và sáng tạo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!