Trong vòng 1 tuần trở lại đây, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất tiền gửi thêm 0,3-1%/năm, đưa mặt bằng lãi suất huy động nhìn chung đã giảm 1- 2%/năm so với cuối năm ngoái, hiện dao động trong khoảng 8,7-9%/năm. Một số ít ngân hàng niêm yết trên 9%/năm.
Lãi suất đầu vào giảm, lượng tiền gửi dồi dào đang tạo điều kiện để các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất đầu ra, tức là lãi suất cho vay. Dù vậy, việc duy trì lãi suất thấp trong năm nay vẫn còn nhiều thách thức.
Lãi suất đầu vào giảm, lượng tiền gửi dồi dào đang tạo điều kiện để các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay
Tại Công ty Thương mại và Sản xuất Lộc Thành, tiền vay ngân hàng chiếm hơn một nửa số vốn để duy trì hoạt động. Do đó mọi mức tăng giảm lãi suất đều tác động rất lớn đến túi tiền của doanh nghiệp này.
Từ năm ngoái đến nay, ngoài lãi suất thì giá các loại nguyên liệu, máy móc đều tăng khiến chi phí đầu vào của mỗi quyển vở ở đây đã tăng ít nhất 20%. Trong khi đó giá bán ra thị trường gần như không tăng hoặc chỉ tăng vài % để giữ khách hàng.
"Thực ra hiện giờ mình đang được hưởng ưu đãi lãi suất khoảng 7-8% là ổn nhất cho doanh nghiệp chứ trên 9% là vô cùng khó khăn", bà Nguyễn Thị Bích Thuỷ, Giám đốc Công ty Thương mại và Sản xuất Lộc Thành cho biết.
Với nguồn tiền gửi dồi dào và room tín dụng đầu năm rộng rãi, Ngân hàng Quân đội (MB Bank) đang áp dụng gói ưu đãi lãi suất ngắn hạn cho doanh nghiệp sản xuất từ 7-8%/năm, và một gói hỗ trợ hơn 8.000 tỷ đồng cho vay mở rộng kinh doanh.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển đổi số và giảm thiểu các chi phí vận hành của ngân hàng để đảm bảo có dư địa hỗ trợ khách hàng về giảm lãi suất", ông Phạm Như Ánh, Thành viên Ban điều hành, Ngân hàng Quân đội cho biết.
Còn tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa dành thêm 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi sản xuất kinh doanh. Dù vậy việc nhiều doanh nghiệp đang khan hiếm đơn hàng do nhu cầu thế giới sụt giảm, về lâu dài có thể ảnh hưởng đến khả năng trả nợ cũng khiến các ngân hàng phải tăng dự phòng nợ xấu. Điều này cũng thu hẹp dư địa giảm lãi suất từ nay đến cuối năm.
"Chúng tôi ưu tiên đảm bảo thanh khoản trong mọi tình huống, nỗ lực kiểm soát nợ xấu, giảm tối thiểu dự phòng rủi ro tín dụng và nỗ lực để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân", bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết
Những điều kiện thuận lợi để giảm lãi suất ngay từ đầu năm là tín hiệu tích cực. Song đây mới chỉ là trước mắt, do áp lực tăng lãi suất thế giới vẫn đang tiếp diễn, kéo chi phí huy động vốn nói chung của năm nay cao hơn năm ngoái.
Tỷ giá ổn định hỗ trợ giảm lãi suất
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ngân hàng Nhà nước là phải điều hành cân bằng, hợp lý giữa tỉ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng, giữa lãi suất và lạm phát, vừa bảo đảm thanh khoản, tăng trưởng tín dụng hợp lý, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Gần đây, tỷ giá giữa VNĐ và USD đã tương đối ổn định.
Gần đây, tỷ giá giữa VNĐ và USD đã tương đối ổn định
Là một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu, lắp ráp các thiết bị điện dân dụng, nên tỷ giá luôn gắn chặt với hoạt động kinh doanh của Công ty Benny Electronic Việt Nam. Với doanh số lên tới cả chục triệu USD, nên tỷ giá chỉ thay đổi 1%, lập tức lợi nhuận của công ty sẽ bị ảnh hưởng vài ba tỷ đồng. Nhưng tỷ giá ổn định, sự phập phồng lo lắng của doanh nghiệp cũng dịu đi.
"Nhờ sự ổn định của tỷ giá chúng tôi có thể chủ động lập kế hoạch kinh doanh và về dài có thể tạo được lợi nhuận cho doanh nghiệp", ông Trần Trung Kiên, Tổng Giám đốc Công ty Benny Electronic Việt Nam đánh giá.
"FED sẽ giảm lộ trình tăng lãi suất, nếu có tăng thì cũng chỉ ở mức độ nhẹ nhàng, có thể hết quý 2 năm nay. Điều này khiến cho các đồng nội tệ, trong đó có VND sẽ tăng giá trở lại. Tỷ giá từ tháng 11/2022 đến nay đã ổn định hơn và thậm chí có xu hướng giảm nhẹ", Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia nhận định.
Tỷ giá ổn định, tâm lý găm giữ ngoại tệ cũng giảm, lượng USD dồi dào nên giao dịch ngoại tệ tại nhiều ngân hàng thông suốt hơn. Và đây chính là điều kiện chính yếu để Ngân hàng Nhà nước đã mua được 1 lượng ngoại tệ lớn lên tới 3,5 tỷ USD trong thời gian qua. Nhưng điều quan trọng hơn là tỷ giá ổn định cũng sẽ giúp cho mặt bằng lãi suất VNĐ bớt căng thẳng và có phần lắng xuống.
"Gần đây lãi suất trên thị trường dịp gần đây đã có xu hướng đi xuống, cả trên thị trường 1 và thị trường 2. Nếu đà này tiếp tục được duy trì và tỷ giá ổn định thì lãi suất cũng sẽ giảm", ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Tiên Phong dự báo.
Với lượng ngoại tệ hơn 3,5 tỷ USD mà Ngân hàng Nhà nước đã mua ròng có nghĩa là, nguồn lực dự trữ ngoại hối quốc gia nhanh chóng được bổ sung đáng kể sau chuỗi ngày phải bán ra nhằm bình ổn thị trường tỷ giá. Cơ hội để ổn định và giảm mặt bằng lãi suất cũng sẽ hiện hữu hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!