Không gian ngầm là một bộ phận quan trọng trong các đô thị. Ở Việt Nam, Chính Phủ đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu về đô thị ngầm từ năm 2006. Tuy nhiên Nghị định mới nhất của Chính phủ về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị cũng đã có hiệu lực thi hành 13 năm. Làm thế nào để đẩy nhanh việc phát triển không gian ngầm tại các đô thị lớn tại Việt Nam là nội dung được Bộ Xây dựng, các doanh nghiệp trong và ngoài nước bàn luận trong hội thảo mới diễn ra tại Hà Nội.
Theo Bộ Xây dựng, hiện chỉ có TP Hà Nội lập và phê duyệt Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Một số công trình ngầm như các trung tâm thương mại tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đã đưa vào hoạt động, nhưng nhìn tổng thể, hầu hết các công trình ngầm đều mang tính cục bộ, chưa có sự liên kết tổng thể cho cả khu vực hay một đô thị.
Một hầm chui dành cho người đi bộ ở Hà Nội. (Ảnh: Dân trí)
Trong khi đó, hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến phát triển không gian xây dựng ngầm đô thị còn bất cập, chưa phù hợp với tình hình hiện nay. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc gấp rút của các cấp, các ngành trong việc xây dựng Luật điều chỉnh về quản lý không gian ngầm, theo yêu cầu của Nghị quyết 06 năm 2022 của Bộ Chính trị.
Các đô thị cũng cần đầu tư xây dựng các công trình ngầm, như hệ thống đường sắt đô thị, hầm cho đường ô tô, người đi bộ, bãi đỗ xe ngầm… theo đúng lộ trình, nhằm giảm áp lực lên hệ thống hạ tầng của đô thị. Việc này cần sự tham gia, hợp tác, liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước về cả tài chính và công nghệ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!