Hầu hết sẽ chuyển qua thanh toán thẻ và các phương thức giao dịch điện tử. Tuy nhiên, không ít người dân Anh vẫn cho con tiền tiêu vặt như một cách để giáo dục con cái về tài chính từ sớm. Vậy dạy con về tiền như thế nào trong bối cảnh tiền mặt sắp trở thành lỗi thời?
Trong nhan đề "Cho con bao nhiêu tiền tiêu vặt là đủ", BBC đưa ra con số thống kê, 84% cha mẹ người Anh cho con cái mình khoảng 7 Bảng một tuần, cả tiền mặt lẫn tiền xu. 28% trẻ em nhận tiền tiêu vặt như một phần thưởng khi hoàn thành các công việc nhà.
Nhiều phụ huynh đánh giá tích cực về việc dạy trẻ thói quen tiêu tiền hợp lý bằng cách cho con tiền tiêu vặt, dù đôi khi chỉ là một vài đồng xu lẻ. Tuy nhiên trong bối cảnh tiền mặt đang dần mất đi vị thế trong thanh toán, cách thức cho tiền con cái cũng đang dần có những thay đổi nhất định.
BBC trích ý kiến từ một bậc phụ huynh, rằng nên cho con làm quen với tiền càng sớm càng tốt, hoặc ít nhất nên nói chuyện với con cái về tài chính một cách đơn giản, không nên quá lo lắng về việc cho con bao nhiêu, thường xuyên hay là thỉnh thoảng. Vị phụ huynh này cũng cho rằng, nếu cha mẹ chỉ thanh toán qua thẻ hoặc smartphone, thì tốt hơn hết vẫn nên giữ lại các loại tiền xu, tiền mệnh giá nhỏ, tạo điều kiện cho con có cơ hội tiếp xúc.
Tuy nhiên, một công ty cung cấp dịch vụ quản lý tiền tiêu vặt qua điện thoại thông minh có tên RoosterMoney đưa ra nhận định khác. Đại diện công ty này đánh giá, cách thức tương tác với tiền tệ của các bậc cha mẹ đã khác trước nhiều. Tiền tiêu vặt cho con cũng vì thế cần có những thay đổi về hình thức. Ngày xưa trẻ em có thể thu gom từng đồng xu kiếm được, bỏ lợn để tiết kiệm dần và có thể nhìn thấy được số tiền mình góp lại lớn lên theo thời gian. Ngày nay chỉ cần smartphone, vài con số hiển thị và vài thao tác là có thể thanh toán. Với sự trợ giúp của công nghệ, trẻ có thể làm quen với những tính năng giúp quản lý tiền và đặt ra các mục tiêu tiết kiệm, thậm chí còn có thể trực tiếp quyên góp cho các tổ chức từ thiện.
Theo tờ The Times, các ngân hàng lớn ở Anh cho phép mở tài khoản tiết kiệm đứng tên trẻ em ở lứa tuổi từ 7 đến 12 tuổi. Báo này nhận định đây là một cách để trẻ thích nghi với sự khác biệt giữa tiền để tiêu và tiền để tiết kiệm, thay vì bỏ lợn, qua đó rèn luyện cho trẻ em thói quen tốt về lên kế hoạch tài chính về sau. Đồng thời với đó, một ý kiến được BBC trích dẫn cho rằng, thông qua tài khoản ngân hàng, trẻ có thể dễ dàng hơn khi tiếp cận với các khía cạnh khác nhau về tiền như một người trưởng thành. Có thể là tập rút tiền từ ATM qua thẻ ngân hàng hay tự chi trả cho các giao dịch bằng smartphone hoặc thanh toán không chạm. Cha mẹ cũng có thể đặt chế độ gửi tiền tiêu vặt thường xuyên theo định kỳ cho con và qua đó dễ dàng định hướng con trong quá trình làm quen với các thói quen về tài chính.
Mặc dù vậy, không phải cha mẹ nào cũng hoàn toàn ý thức được sự quan trọng của việc cho con làm quen với tiền từ bé. Thống kê đăng tải trên tờ Độc Lập tại Anh cho thấy, cứ 10 bậc phụ huynh thì có 1 người cho rằng nhà trường chịu trách nhiệm hoàn toàn trong vấn đề này. Có lẽ dù trong tương lai tiền mặt có mất đi vị thế của mình hay không, tiền tiêu vặt có được số hóa hoàn toàn hay vẫn nằm trong những con lợn tiết kiệm, việc giáo dục trẻ trong các thói quen tài chính vẫn sẽ góp phần không nhỏ trong việc định hình tương lai của những thế hệ sau này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!