Ngày 28/10, tiếp tục kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại hội trường đối với báo cáo của đoàn giám sát và dự thảo nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề "việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023".
Nên thanh toán không tiền mặt với tất cả giao dịch bất động sản
Liên quan đến vấn đề tài chính của thị trường bất động sản (BĐS), đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng ngân hàng và bất động sản giống như "hai anh bạn đi chung một con thuyền", có quan hệ cộng sinh với nhau.
Nhưng lâu nay dường như chúng ta đang bắt ngân hàng, hệ thống tín dụng đang phải gánh một gánh quá nặng, cái gì chúng ta cũng giao cho ngân hàng nhưng ngân hàng họ phải làm chức năng của tổ chức tín dụng. Theo ông An, không thể bắt ngân hàng đi huy động vốn bình thường để vay ưu đãi được. Ngân hàng huy động ngắn hạn lại cho vay dài hạn.
"Tôi cho rằng ngân hàng nên tập trung vào hỗ trợ cho người đi vay chứ không phải tập trung cho doanh nghiệp", ông Trịnh Xuân An nêu ý kiến.
Theo báo cáo của Đoàn Giám sát của Quốc hội, trong giai đoạn 2015 - 2023, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đều có sự tăng trưởng, chiếm tỷ trọng từ 18-21% trong tổng dư nợ tín dụng chung của nền kinh tế.
Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng không thể bắt ngân hàng đi huy động vốn bình thường để vay ưu đãi được
Về tổng thể thị trường bất động sản, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, đã là thị trường thì có cung, có cầu, có lúc cao, lúc thấp và có những diễn biến khá bất thường.
"Chúng ta cần phải duy trì được những việc theo tính quy luật nhưng phải hạn chế những việc bất thường. Những việc bất thường đã được nhận định ở đây. Trách nhiệm của nhà nước là phải tạo ra được sân chơi, tạo ra được một môi trường bình đẳng để phát triển thị trường này", ông An nêu ý kiến.
Để tăng tính minh bạch của thị trường, đại biểu An cho rằng, rất nhiều đại biểu phát biểu ngày xưa khi làm Luật Kinh doanh Bất động sản đó là cần phải tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt đối với tất cả các giao dịch bất động sản. "Tôi vẫn đề xuất lại phương án này", ông An nói.
Ngoài ra, đại biểu đoàn Đồng Nai cũng cho biết chúng ta đã đề xuất rất nhiều lần là cần có thuế đối với tài sản hoặc thuế đối với sở hữu nhiều nhà, nhiều tài sản. Theo ông An, cho đến lúc này là thời điểm chín muồi để làm đạo luật thuế này.
"Tôi rất tha thiết đề nghị chúng ta nghiên cứu các sắc thuế này và xử lý những công cụ mang tính vĩ mô như vậy", đại biểu Trịnh Xuân An nói.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) nhấn mạnh tính minh bạch trong việc cấp tín dụng cho vay bất động sản
Cũng liên quan đến vấn đề tín dụng và minh bạch thị trường bất động sản, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương), cho biết có một số dự án thì cùng một ngân hàng "tay trái" thì cho chủ đầu tư vay để xây dựng dự án, "tay phải" lại cho khách hàng, người dân vay mua dự án đó. Theo ông Huân, điều này không đảm bảo tính minh bạch, có thể tạo xung đột lợi ích.
"Nếu "tay phải" dừng cho người dân vay tiền khiến không có tiền trả tiền cho dự án thì chủ đầu tư mất tính thanh khoản. Khi đó dự án sẽ không vận hành theo cơ chế thị trường nữa"
Để tạo ra thị trường minh bạch, theo ông Huân cần tập trung vào tín dụng và mua bán giao dịch trên thị trường thứ cấp.
Nhiều người "túng thiếu" trên khối tài sản của mình
Trong khi đó, phát biểu cho ý kiến, đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) cho biết trong thực tiễn quá trình xây dựng nhiều dự án, doanh nghiệp đã thu tiền cọc của người mua thông qua các hợp đồng dân sự. Và hiện nay nhiều người mua nhà dạng này đang rất khó khăn, nhất là đối với những người mua thông qua vay vốn từ các ngân hàng mà hiện nay chu kỳ ưu đãi lãi suất đã kết thúc.
Ở tầm vĩ mô, việc có quá nhiều công trình dở dang không được đưa vào khai thác, sử dụng hợp lý là một sự lãng phí và kìm hãm sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, bà Hạnh còn quan ngại về những hệ lụy ở phía sau khi tiền của người dân bị chôn vào các khối tài sản.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định)
"Tiền không sinh ra được tiền, tài sản không sinh lợi và có nhiều người có nhu cầu thực sự về nhà ở hoặc kỳ vọng đầu tư để sinh lợi nhưng hiện bị túng thiếu ngay trên khối tài sản mình đang nắm giữ và không làm gì được", đại biểu Lý Tiết Hạnh nếu quan điểm.
Đại biểu cho rằng, điều này không chỉ lãng phí nguồn lực đất đai, nguồn lực xã hội mà sẽ có những trường hợp dẫn đến việc đẩy người dân vào thế tiến thoái lưỡng nan, không biết phải làm gì, khó khăn tài chính rất nguy hiểm. Nguy hiểm nhất là tạo sự mất lòng tin trong người dân, nảy sinh khiếu nại, khiếu kiện ở các địa phương rất phức tạp.
"Tôi đề nghị đối với những người dân đã mua ngay tình và nay vì vướng mắc không phải lỗi từ phía họ nhưng họ vẫn bị ảnh hưởng quyền lợi thì cần có các chính sách để giúp họ vượt qua khó khăn", đại biểu Lý Tiết Hạnh đề xuất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!