Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng 14/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Góp ý về dự thảo Luật, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng đất đai vốn không tự phức tạp. Nhưng với các tác động, mối quan hệ qua lại khiến cho đất đai từ đơn giản thành biến dạng, nhạy cảm, phức tạp, đôi lúc là “nóng”, “sốt”.
“Cứ nghĩ đến đất, giá đất nhiều người muốn sở hữu đất cứ lạnh hết cả người”, ông Mai cho biết.
Với những hạn chế, bất cập, mâu thuẫn chồng chéo như luật hiện hành với nhiều luật khác, đại biểu Mai bày tỏ tán thành và nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ với các luật liên quan, đặc biệt là thể chế hóa nội dung Nghị quyết 18-NQ/TW. Từ đó giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, góp phần sử dụng nguồn lực đất đai hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành nguồn lực quan trọng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông)
Góp ý cụ thể, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng bố cục dự thảo luật hiện nay chưa phù hợp. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét đưa quy định về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai và tài sản gắn liền với đất tại Chương 10 lên trước Chương 6 để đảm bảo tính logic theo tuần tự là công nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, trưng dụng thu hồi đất…
Hay như tại khoản 3 Điều 127 dự thảo luật quy định "Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất trong các trường hợp: Người sử dụng đất để quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên". Tuy nhiên, Điều 17 Luật Lâm nghiệp năm 2017 quy định "Nhà nước cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thuê rừng sản xuất là rừng tự nhiên", như vậy, Nhà nước không thu tiền sử dụng đất nhưng thu tiền thuê rừng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên, không giao đất rừng đặc dụng cho hộ gia đình, cá nhân. Do đó, không thống nhất với quy định tại khoản 5 Điều 14 của Luật Lâm nghiệp năm 2017.
“Đất đai là lĩnh vực rất đặc biệt, có ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Trong đó, việc hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đất đai là hết sức cần thiết. Cần có sự đóng góp rộng rãi của toàn dân để tìm được phương án tối ưu nhất”, đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh.
Người dân không chấp nhận thu hồi đất để mang lại lợi ích cho một nhóm người
Góp ý về dự thảo Luật, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) nhấn mạnh vào vấn đề thu hồi đất. Theo đại biểu, đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, được sự quan tâm của toàn xã hội, liên quan đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội và mọi người dân.
Đại biểu Tám dẫn báo cáo thường niên của Chính phủ về khiếu nại, tố cáo cho thấy, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, liên quan đến việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội chiếm gần 70% trong tổng số khiếu nại, tố cáo.
“Người dân có thể chấp nhận hy sinh quyền lợi hoặc chịu thiệt về quyền lợi nếu việc thu hồi đất đó cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc phát triển kinh tế, cho lợi ích của cộng đồng, lợi ích của Nhà nước. Nhưng sẽ không chấp nhận việc thu hồi đất chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân hoặc một nhóm người, nhưng lại áp giá đền bù thấp, mang tính áp đặt hay tạo kẽ hở cho sự trục lợi, lợi ích nhóm”, đại biểu Tám cho biết.
Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum)
Đại biểu đoàn Kon Tum nhấn mạnh sửa đổi Luật Đất đai lần này cần phải giải quyết được vấn đề này. Một điểm quan trọng để giải quyết vấn đề, đó là làm rõ nội hàm của việc thu hồi đất cho phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Ở đây cần nhìn nhận rằng, lợi ích quốc gia thu được từ việc thu hồi đất mang tính lợi nhuận cho Nhà nước, còn lợi ích công cộng thì mang tính xã hội và không mang tính lợi nhuận.
Đừng để vì đất đai làm mất thêm cán bộ
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Lê Đào An Xuân (đoàn Phú Yên) cho biết trong những ngày qua, trên nghị trường Quốc hội, các đại biểu nhắc nhiều đến việc viên chức, công chức ngành y tế, giáo dục có sự dịch chuyển bởi vì các cơ chế, chính sách không phù hợp.
Song theo đại biểu Xuân, có một hiện thực chưa được nhắc đến, đó là công chức, viên chức ngành tài nguyên và môi trường cũng có một tỷ lệ dịch chuyển lớn.
“Người thì xin nghỉ việc, người thì chủ động xin chuyển công tác hoặc chuyển vị trí công tác, kể cả người đã nghỉ, đã chuyển công tác hay những người còn ở lại có một nỗi băn khoăn, nhiều lúc không biết hồ sơ mình đang xử lý có những sai sót gì hay không, hay là vài mươi năm nữa mới phát hiện sai sót”, đại biểu đoàn Phú Yên cho biết.
Đại biểu Lê Đào An Xuân (đoàn Phú Yên)
Đại biểu nhấn mạnh đây là một áp lực pháp lý rất lớn mà cán bộ, công chức, viên chức ngành tài nguyên và môi trường đang phải chịu. Ngoài doanh nghiệp, ngoài người sử dụng đất, phải nói là cán bộ, công chức, viên chức ngành tài nguyên rất mong Luật Đất đai được sớm sửa đổi theo hướng nhanh nhất và phù hợp với thực tiễn nhất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!