Hầu hết các đại biểu đều thống nhất cho rằng thời điểm này là phù hợp để thực hiện các dự án, nhằm đẩy nhanh phục hồi kinh tế, xã hội sau đại dịch, cũng như thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.
Đồng thuận với Chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, tuy nhiên nhiều đại biểu đề nghị phải đặc biệt quan tâm đến công tác giải phóng mặt bằng. Để hoàn thành dự án theo kế hoạch, phương án và giá cả đền bù cần thống nhất và có đầu mối tổ chức thực hiện.
"Đây là dự án liên vùng đi qua nhiều tỉnh, mà mỗi tỉnh có chính sách đền bù, tái định cư khác nhau, Chính phủ giao cho TP Hồ Chí Minh và Hà Nội làm đầu mối tổ chức thực hiện nhưng cũng làm rõ vai trò đầu mối, nhiệm vụ, quyền hạn để khi thực hiện được thuận lợi. Đề nghị Chính phủ có chỉ đạo thống nhất chính sách đền bù, nhất là địa phương có đất liền kề nhau mà địa giới hành chính lại khác nhau", ông Nguyễn Văn Hòa, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, đề nghị.
"Đối với các dự án qua 2 tỉnh thì cần lập khung chính sách giải phải mặt bằng. Tôi đề nghị khi lập khung chính sách trình Bộ Tài nguyên và Môi trường rồi trình Thủ tướng thì cần làm nhanh chứ không sẽ mất nhiều thời gian", ông Nguyễn Trúc Sơn, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, nói.
Nhiều đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tính toán khai thác nguồn lực hai bên khu vực đường Vành đai 3 và 4. Đây là nguồn lực rất lớn tạo ra từ chênh lệnh địa tô do đầu tư công sinh ra.
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường phát biểu. (Ảnh: TTXVN)
"Cùng với việc phê duyêt chủ trương xây dựng tuyến đường này, tôi đề nghị Chính phủ đề xuất với Quốc hội có cơ chế đặc thù để khai thác nguồn lực này. Chúng ta làm việc này sẽ khác so với việc thực hiện dự án BT trước đây - dạng đổi đất lấy hạ tầng, còn đây là chúng ta thực hiện cơ chế thị trường để đấu thầu các dự án và đấu thầu các công trình xây dựng. Nếu làm được việc đó ta sẽ có được các khu đô thị hiện đại hình thành lên và chúng ta sẽ khai thác được nguồn lực", ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, đề xuất.
"Tôi đề nghị Chính phủ cần phải song hành xây dựng các dự án liên kết khai thác quỹ đất hành lang của các dự án giao thông này, đặc biệt là khu đô thị, khu công nghiệp và các khu vực đất cho thuê để khai thác giá trị địa tô thu về cho ngân sách, bù đắp chi phí làm đường", ông Lê Thanh Vân, Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, nói.
Trong sáng nay, các đại biểu Quốc hội cũng đã ý kiến vào về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc giai đoạn 1 Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!