ĐBSCL: Người dân ồ ạt cải tạo, phá ruộng, đào ao nuôi cá tra

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ năm, ngày 31/05/2018 11:04 GMT+7

VTV.vn - Gần đây, người dân một số tỉnh, thành ở ĐBSCL ồ ạt cải tạo, phá ruộng, đào ao nuôi cá tra vì nuôi cá tra lãi hơn trồng lúa.

Theo ghi nhận của báo Lao động đời sống, riêng ở huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, diện tích nuôi cá tra đã tăng gấp 3 lần năm 2017, lên 75 ha. Trồng 1ha lúa chỉ lãi khoảng 70 triệu đồng/năm, nhưng số tiền này sẽ tăng lên gấp 10 lần nếu nuôi cá tra giống. Chuyển hướng để có lời cao hơn là chuyện đương nhiên nhưng điều đáng nói theo báo Lao động đời sống là hầu hết các hộ dân đều nuôi tự phát, không nằm trong vùng quy hoạch.

Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cần Thơ cảnh báo, nếu nuôi ồ ạt mà không có đầu ra sẽ dẫn tới rủi ro thua lỗ, rớt giá vì cung vượt quá cầu. Chưa kể, nếu thua lỗ, người dân muốn quay lại trồng lúa sẽ rất khó khăn khi phục hồi lại ruộng.

Chưa biết phá ruộng nuôi cá sẽ lãi hay lỗ nhưng cá tra của Việt Nam đang bị bán rẻ trên thị trường thế giới là câu chuyện có thật. Tờ Thời Báo Kinh doanh đưa ra con số đang chú ý: Mỹ nhập khẩu cá tra, cá basa của Trung Quốc với giá trung bình 6,77 USD/kg, còn chỉ mua của Việt Nam với giá rẻ gần 1 nửa (3,42 USD/kg)

Vì sao giá cá tra Việt Nam rẻ hơn của Trung Quốc? Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam - đưa ra lý do khá chua xót: Do các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam cạnh tranh không lành mạnh với nhau, mạnh ai người đó làm dẫn tới tình trạng mỗi doanh nghiệp chào một giá, đôi khi còn tự hạ giá sản phẩm để giành hợp đồng.

ĐBSCL: Người dân ồ ạt cải tạo, phá ruộng, đào ao nuôi cá tra - Ảnh 1.

Thu hoạch cá tra. (Ảnh: TTXVN)

Chính một phần vì chiến lược tự hạ giá của doanh nghiệp Việt nên tháng 3 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã áp thuế chống bán phá giá cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Một nguyên nhân nữa được Hiệp hội Cá tra chỉ ra là do cá tra của Việt Nam "trắng" thương hiệu. Đa phần doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam chỉ đóng thùng xuất khẩu cho nhà phân phối nước ngoài mà không biết cá tra Việt sẽ mang tên gì, phân phối ở siêu thị nào.

Trong khi đó, những doanh nghiệp Trung Quốc lại có vẻ khôn ngoan hơn. Họ sang Việt Nam thu mua nguyên liệu, sau đó đem về nước chế biến, đóng gói dưới thương hiệu Trung Quốc để xuất sang Mỹ. Hoặc thậm chí, họ đem bao bì sang thu mua cá tra và đóng gói ngay tại Việt Nam. Cũng là con cá tra của Việt Nam nhưng được "mặc quần áo" Trung Quốc, lại có giá gần gấp đôi.

Nếu người dân tiếp tục nuôi trồng tự phát, mạnh ai nấy bán, không có một chuỗi liên kết, tiêu thụ bài bản, ngành nuôi cá tra khó có thể phát triển bền vững. 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước