Giới “đầu nậu, cò đất, doanh nghiệp bất lương” có thể lợi dụng việc Nhà nước ban hành “Bảng giá đất” đểlàm nhiễu loạn thị trường (ảnh minh họa)
Thời gian vừa qua, nhiều địa phương đã thực hiện công bố bảng giá đất mới, trong đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 79/2024/QĐ-UBND ngày 21/10/2024 "Về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/01/2020 quy định về Bảng giá đất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh" có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/10/2024 đến hết ngày 31/12/2025 theo quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024 và được áp dụng cho 11 trường hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 159 Luật Đất đai 2024.
Việc công bố bảng giá đất mới nhằm mục tiêu đảm bảo tính hiệu quả của các chính sách ổn định và phát triển ổn định, lành mạnh của thị trường bất động sản, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.
Giá bán đất cao hơn trước đây có thể dẫn đến áp lực “kích đẩy” làm tăng giá nhà
Tuy nhiên, nhìn lại "cơn sốt giá" đất trước đây cho thấy, giới đầu cơ, đầu nậu và các doanh nghiệp làm ăn bất lương luôn lợi dụng các thời điểm nhạy cảm như công bố bảng giá đất, sát nhập, công bố quy hoạch… để "té nước theo mưa" nhằm mục đích đẩy giá đất, thu lợi lớn. Vào thời điểm giữa năm 2021, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã từng xảy ra các đợt "sốt giá" cũng bắt nguồn từ việc sáp nhập Q.2, Q.9 và Q.Thủ Đức để thành lập TP Thủ Đức và xây dựng đề án chuyển đổi 5 huyện ngoại thành (Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn và Nhà Bè) lên quận hoặc thành phố giai đoạn 2021 - 2030. Trước đó, khi thông tin thành lập TP Thủ Đức mới manh nha thì giá đất tại khu vực phía Đông TP Hồ Chí Minh đã có xu hướng tăng rõ rệt khi hàng loạt nhà đầu tư đổ về khu vực trên để mua đất nhằm mục đích đón đầu đợt tăng giá mới, tập trung ở phân khúc bất động sản liền thổ. Việc xây dựng quy hoạch chuyển đổi các huyện ngoại thành lên quận cũng khiến giá đất tại huyện Cần Giờ tăng nóng.
Ở thời điểm đó, UBND TP Hồ Chí Minh phải có chỉ đạo khẩn đến Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện… thực hiện công khai quy hoạch, triển khai quy định về đăng ký chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tuân thủ các quy định pháp luật đất đai về tách thửa đất… để người dân được tiếp cận thông tin chính thống, hiểu rõ các quy định, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất… nhằm kiểm soát các giao dịch ảo, đẩy giá bất động sản, tránh bị giới đầu cơ lợi dụng "thổi" giá, đẩy giá đất và giá bất động sản lên cao để thu lợi bất chính.
Trao đổi với phóng viên Thời báo VTV, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh - cũng cho biết: "Giới "đầu nậu, cò đất, doanh nghiệp bất lương" có thể lợi dụng việc Nhà nước ban hành bảng giá đất để "kích giá, thổi giá đất" làm nhiễu loạn thị trường nhằm mục đích trục lợi bất chính, nên vừa qua chúng tôi đã đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích pháp luật để người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp hiểu rõ và nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, chấp hành pháp luật, tuân thủ pháp luật, đi đôi với các biện pháp quản lý, điều tiết hiệu quả thị trường bất động sản".
Để đất đai trở thành nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế và ổn định xã hội, tạo điều kiện cho người dân được an cư lạc nghiệp thì thứ nhất cần quan tâm đến những trường hợp cá nhân có nhu cầu xin công nhận quyền sử dụng đất ở mà người sử dụng đất chưa được cấp "Giấy chứng nhận lần đầu". Tại TP Hồ Chí Minh hiện đang có khoảng 13 nghìn thửa đất nằm trong trường hợp này.
Thứ hai là trường hợp người sử dụng đất xin chuyển mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp trong cùng thửa đất có nhà ở mà phần diện tích đất xây dựng nhà ở đã có "sổ hồng" nằm xen kẽ trong đô thị, khu dân cư nông thôn.
Thứ ba là trường hợp người sử dụng đất xin "tách thửa đất" đối với đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở đồng thời với chuyển mục đích sử dụng đất thành "đất ở" để chia cho con cháu.
Thứ tư là trường hợp cá nhân, hộ gia đình có nhà đất nằm trong các khu vực "quy hoạch treo" như "quy hoạch khu dân cư xây dựng mới", "quy hoạch khu dân cư chỉnh trang" hoặc nằm trong "dự án treo" điển hình là "Dự án Bình Qưới Thanh Đa", mà trong nhiều năm qua người dân đã bị treo các "quyền" của người sử dụng đất mà nếu tới đây được "xóa treo" thì có thể bị "thiệt thòi" lần thứ 2 khi có thể phải đóng tiền sử dụng đất cao hơn trước đây.
"Nhà nước cũng cần phải chú ý tới những tác động của bảng giá đất để có giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả bảng giá đất. Có thể bảng giá đất mới chưa tác động ngay đến thị trường bất động sản do các dự án bất động sản, nhà ở thương mại hiện nay được định giá đất chủ yếu theo "phương pháp thặng dư", nhưng sẽ tác động đến thị trường bất động sản ở "pha 2" khi doanh nghiệp bất động sản nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội thì người dân có tâm lý muốn bán với giá cao hơn trước đây, dẫn đến áp lực kích đẩy làm tăng giá nhà" - ông Châu chia sẻ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!