Ảnh minh họa.
Nội dung trên là đề xuất vừa được Bộ Tài chính công bố để lấy ý kiến cho dự thảo mới về các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP. Theo Bộ Tài chính, thay đổi này phản ánh đúng nguyên tắc thị trường và chi phí thực tế của dự án.
Như vậy, nhà đầu tư sẽ có thể tính toán mức lãi suất cho vay thực tế của các ngân hàng và tổ chức tín dụng vào phương án tài chính. Trước đó, Bộ GTVT cũng đã có kiến nghị Chính phủ tháo gỡ rào cản này.
Theo đại diện Bộ GTVT, việc khống chế trần lãi suất bằng 1,5 lần lãi suất trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn tương đương hợp đồng BOT, sẽ khiến nhà đầu tư phải bù lỗ do chênh lệch lãi suất từ 3 - 4%/năm.
Ông Vũ Tuấn Anh - Phó Vụ Trưởng Vụ đối tác công tư, Bộ GTVT nói: "Với một hợp đồng PPP như của ngành Giao thông có tổng mức đầu tư khoảng 10 nghìn tỷ đồng, chênh lệch khoảng 3%/năm là rủi ro nhà đầu tư phải trả cho ngân hàng thương mại. Đây là một rủi ro khiến cho việc kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư sẽ trở nên khó khăn và nhà đầu tư cảm thấy e ngại".
Cũng vì vướng mắc trên, thực tế tại dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận mặc dù chủ đầu tư đã vay được hơn 8.000 tỷ đồng từ các ngân hàng nhưng dự án đang phải đối mặt với nguy cơ dừng lại vì khó có thể bù được khoản chênh lệch lãi suất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!