Đề xuất giảm thuế, phí nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 08/06/2024 15:17 GMT+7

VTV.vn - Dự kiến, các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí trong 6 tháng cuối năm 2024 có tổng số tiền khoảng 98.000 tỷ đồng.

Với tốc độ tăng trưởng mạnh, dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành sẽ là hai lĩnh vực cần đẩy mạnh trong thời gian tới. Bên cạnh đó, dù có tốc độ tăng chỉ 7,4% nhưng bán lẻ hàng hoá chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 77,5% tổng mức, với gần 2 triệu tỷ đồng. Thế nên nhiều địa phương cũng đang đẩy mạnh các chương trình giảm giá, khuyến mại để kích thích sức mua. Ví dụ như TP Hồ Chí Minh vừa công bố kế hoạch tổ chức chương trình khuyến mãi tập trung mùa hè kéo dài suốt 3 tháng, bắt đầu từ giữa tháng 6. Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, ngoài điểm nhấn là khuyến mại lên đến 100%, khuyến mại hàng hiệu mùa khuyến mại tập trung đợt 1 năm nay, lần đầu tiên TP Hồ Chí Minh liên kết với nhiều tỉnh thành, để đồng bộ khuyến mại và hỗ trợ tiêu thụ hàng hoá.

Ngoài việc các địa phương, doanh nghiệp đưa ra các chương trình giảm giá, khuyến mại thì theo chuyên gia kinh tế thì còn nhiều cách để có thể kích cầu tiêu dùng. Ví dụ như có thể đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, thêm vào đó nữa là thực hiện việc miễn giảm các loại thuế, phí.

Với những kết quả đã đạt được qua việc giảm thuế giá trị gia tăng của năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, Chính phủ đã có Tờ trình trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ trong 6 tháng cuối năm 2024.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho biết: "Đầu ra của doan nghiệp này chính là đầu vào của họ. Khi đầu vào giảm thì chi phí giảm, giá thành giảm, giá bán giảm. Nó lại tác động tích cực tới người tiêu dùng".

Hiện người dân, doanh nghiệp đang được thụ hưởng việc giảm thuế GTGT 2% 6 tháng đầu năm nay, nếu chính sách này tiếp tục được duy trì 6 tháng cuối năm thì dự kiến người dân, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được khoảng trên 47.000 tỷ đồng.

TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia cho biết: "Tôi cũng kỳ vọng là Quốc hội sẽ tiếp tục thông qua để tiếp tục giảm thuế VAT 2% cho 6 tháng cuối năm, là một giải pháp kích cầu rất tốt. Thứ hai là chúng ta cũng có thể giảm nhiều loại thuế phí khác. Ví dụ hiện nay Bộ Tài chính cũng đang đề xuất cho giảm một số loại phí khác, với mức từ 2-10%".

Thị trường ô tô trong nước cũng đang mong chờ vào việc sẽ được giảm 50% lệ phí trước bạ với xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước trong tháng 6 này. Trước đó, trong Chỉ thị 12 về các giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo chuyên gia kinh tế, đây là công cụ hiệu quả giúp kích cầu tiêu dùng ô tô trong nước.

"Rõ ràng là việc giảm phí trước bạ ô tô, là một trong những biện pháp mà nhiều năm qua chúng ta đã thực hiện và đã phát huy được tác dụng tốt đối với hoạt động tiêu thụ xe lắp ráp và sản xuất trong nước. Mặc dù giảm lệ phí trước bạ có thể làm giảm thu phí trước bạ nhưng nó sẽ làm tăng tiêu thụ", PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế cho hay.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, với dân số khoảng 100 triệu dân, trong đó có khoảng 20 triệu người trung lưu đang tạo ra sức cầu rất lớn. Do đó, kích cầu tiêu dùng nội địa là giải pháp thiết thực. Đặc biệt là gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", hướng vào các doanh nghiệp nội địa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước