Đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí

Tạ Hiển-Thứ hai, ngày 23/09/2024 18:06 GMT+7

Phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

VTV.vn - Cho ý kiến về dự án Luật TNDN (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị một mức thuế thu nhập chung cho các cơ quan báo chí là 10%.

Doanh nghiệp doanh thu không quá 3 tỷ đồng/năm được áp thuế 15%

Sáng 23/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Trình bày tờ trình tóm tắt dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, dự án Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối về cải cách hệ thống chính sách thuế nói chung, chính sách thuế TNDN nói riêng đã được nêu tại các văn bản của Đảng, Nhà nước. Đáp ứng các yêu cầu từ thực tiễn và các yêu cầu phát triển mới của nền kinh tế, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. Đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường hợp tác quốc tế về thuế. Dự án Luật thuế Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) hiện gồm 4 chương, 20 điều.

Đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn

Dự thảo Luật bổ sung quy định đối với doanh nghiệp nước ngoài có thu nhập từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo các hình thức kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng công nghệ số, không phụ thuộc vào địa điểm tiến hành kinh doanh thì kỳ tính thuế thực hiện theo pháp luật về quản lý thuế.

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về mức thuế suất đối với doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ và tiêu chí áp dụng để thúc đẩy sự phát triển các loại hình doanh nghiệp này. Cụ thể, dự thảo quy định mức thuế suất là 20%, riêng với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng thì được áp dụng mức thuế suất 15%; doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ trên 3 tỷ đồng đến không quá 50 tỷ đồng thì được áp dụng mức thuế suất 17%.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, hiện các cơ quan báo in đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là 10%, còn cơ quan báo điện tử thì không được ưu đãi nên rất khó khăn. Theo ông Vinh, các cơ quan báo chí dù là báo in, báo điện tử hay truyền hình, phát thanh đều là báo chí cách mạng, là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các cơ quan nhà nước. Hiện tại, thu nhập của các cơ quan báo chí chủ yếu phụ thuộc vào quảng cáo. Tuy nhiên, miếng bánh quảng cáo cũng đang bị thu hẹp, khiến cơ quan báo chí gặp nhiều khó khăn.

Đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục đề nghị một mức ưu đãi thuế thu nhập chung cho báo in, báo điện tử và các loại hình báo chí khác như đang áp dụng cho báo in hiện nay.

Hiện nay, thu nhập của cơ quan báo chí từ hoạt động báo in, kể cả quảng cáo trên báo in theo quy định của Luật Báo chí, được áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi là 10%. Còn các cơ quan báo chí thuộc các loại hình khác như báo điện tử, truyền hình, phát thanh chưa có quy định.

Sửa luật phải đảm bảo thu ngân sách, khắc phục tình trạng trốn thuế

Phát biểu về dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, cơ quan soạn thảo Luật phải lý giải kỹ lưỡng vì sao phải sửa luật, sửa những điều gì và sửa như thế nào.

Theo quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, trong Luật hiện hành đang vướng mắc ở những điều gì thì nên sửa ngay cái đó. Những điều nào "đã chín, đã rõ" thì sửa, cái gì chưa rõ thì phải tiếp tục nghiên cứu. Nếu sửa toàn diện Luật Thuế TNDN thì phải có sự đánh giá tác động. Việc sửa đổi những điều mới thì phải tốt hơn những cái cũ. Ngoài ra, việc sửa đổi Luật Thuế TNDN phải đảm bảo thu ngân sách Nhà nước, khắc phục tình trạng trốn thuế, thất thu thuế; việc sửa đổi Luật phải đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí - Ảnh 3.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp

Nhấn mạnh đến việc đổi mới cách làm luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, những nhiệm vụ nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Quốc hội thực hiện. Những gì thuộc chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ thì Chính phủ triển khai. Việc làm này cũng là đảm bảo chất lượng luật được tốt nhất trước khi trình ra Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8.

Ngoài ra, trong khuôn khổ Phiên thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn cho ý kiến vào các nội dung: Khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế; thuế suất đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và trên nền tảng số...

Phát biểu kết luận nội dung về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án Luật của Chính phủ và nội dung Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách. Đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đáp ứng các yêu cầu đề ra.

Đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí - Ảnh 4.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật. Có ý kiến chính thức bằng văn bản của Bộ Tư pháp về dự thảo luật mới và đề nghị Ủy ban Tài chính, Ngân sách tham gia trong quá trình nghiên cứu. Sau khi hoàn chỉnh thì Chính phủ gửi Ủy ban Tài chính, Ngân sách thẩm tra chính thức và trình lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lại trong Phiên họp tháng 10.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Ủy ban Pháp luật, Viện Nghiên cứu lập pháp bố trí thời gian, tổ chức việc nghiên cứu có thể thông qua hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học để đề xuất cách thức, phương pháp tiếp cận mới trong việc sửa đổi, bổ sung đồng bộ, toàn diện các luật trong lĩnh vực thuế, phí và các luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách nói chung; đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước