Theo Bộ Xây dựng, cả nước hiện có 1.688 nhà chung cư cũ, chủ yếu xây dựng trước thập niên 90 thế kỷ trước; trong đó Hà Nội có 1.155 chung cư, TP.HCM hơn 200 chung cư, số còn lại rải rác ở 18 tỉnh thành khác như TP.Vinh (Nghệ An), TP.Việt Trì (Phú Thọ)…
Phần lớn chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng, xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí nhiều nhà bị lún nứt, hư hỏng đến mức có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, 10 năm qua TP.HCM chỉ mới cải tạo được 38 chung cư cũ, Hà Nội cải tạo được 14/1.155 chung cư cũ…
Sự chậm trễ này do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do không hài hòa được lợi ích giữa cộng đồng dân cư - doanh nghiệp - Nhà nước, thiếu quỹ nhà tái định cư, cơ chế thiếu minh bạch khiến người dân mất lòng tin, bất hợp tác…
Để đẩy mạnh quá trình cải tạo chung cư cũ, theo TS Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch THXD, cần thay đổi tư duy cũ như hiện nay là quá đề cao vai trò của doanh nghiệp đầu tư bằng đề cao vai trò của cộng đồng mỗi chung cư, theo đó, nên thành lập hợp tác xã nhà ở. Các hợp tác xã trong một khu chung cư được tập hợp trong Liên xã nhà ở khu chung cư. Liên xã này sẽ làm chủ đầu tư tổng dự án tái thiết khu chung cư cũ, bao gồm cả phần nhà ở và không gian cảnh quan kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chứ không cải tạo kiểu manh mún từng nhà chung cư như hiện nay.
UBND thành phố sẽ lập ra Ban chỉ đạo tái thiết nhà chung cư, có đại diện các sở, ban, ngành để giúp đỡ các Liên xã trong việc thành lập, quy tắc hoạt động, vay vốn, chọn doanh nghiệp đấu thầu thực hiện dự án. Ông Liêm cũng đề xuất Tổng hội Xây dựng sẽ chịu trách nhiệm thí điểm tư vấn cải tạo khu chung cư cũ Giảng Võ (Q.Ba Đình, Hà Nội) theo mô hình này.