Đây là nội dung trong văn bản của Sở Công Thương thành phố gửi chính quyền các quận, huyện sau khi nhận được một loạt đề xuất của các nền tảng như Tiki, Sendo, Be hay Grab... Một giải pháp được đánh giá là quan trọng giúp gỡ tắc nghẽn lưu thông hàng hóa trong lúc thành phố thực hiện giãn cách "ai ở đâu ở yên đó". Những mô hình đầu tiên đã được vận hành và bước đầu chứng minh hiệu quả.
Bắt đầu hoạt động từ ngày 28/8, mô hình "đi chợ hộ" ứng dụng công nghệ do chính quyền thành phố Thủ Đức phối hợp với ứng dụng gọi xe đã nhận về hơn 10.000 đơn hàng chỉ sau vài giờ triển khai.
Doanh nghiệp cung cấp hạ tầng ứng dụng làm trung gian trong khâu phân phối, hỗ trợ miễn phí tạo tài khoản cho các nhà cung ứng và lực lượng "đi chợ hộ". Người dân đặt hàng cần chọn phương thức thanh toán không tiền mặt. Người đi giao là lực lượng của chính quyền và các tài xế công nghệ tình nguyện.
Cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 1, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 "đi chợ giúp dân" trong những ngày thành phố giãn cách xã hội “ai ở đâu, ở yên đấy”. (Ảnh: TTXVN)
"So với giai đoạn chưa áp dụng thì đang gỡ được một phần rất lớn nhu cầu của người dân đang bị dồn lại bấy lâu nay. Đối với lực lượng đi chợ hộ, tổ công tác tại địa phương, các anh, chị không phải mất thời gian để thanh toán, đối soát, thu tiền rồi nộp tiền về cho cửa hàng, cũng như phải đi dò dẫm xem đơn nào giao ở đâu bằng những phương tiện thủ công như ngày trước", Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam Nguyễn Thái Hải Vân cho biết.
Một chuỗi siêu thị cũng đã phối hợp với 4 quận, huyện để dùng ứng dụng di động làm trung gian phân phối hàng "đi chợ hộ". Đơn vị cho biết lượng đơn hàng đang tăng 20% theo ngày.
Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng đang nhận được đề xuất tương tự từ các nền tảng gọi xe công nghệ và thương mại điện tử. Do đó Sở đề nghị chính quyền các quận, huyện xem xét mô hình phù hợp để nhân rộng, nhằm kịp thời bổ sung nguồn hàng, thực phẩm thiết yếu kịp đến tay người dân.
"Đề xuất của chúng tôi là cho mượn hệ thống công nghệ thông tin và nền tảng của mình. Qua đó các cơ quan, hệ thống siêu thị lớn, chuỗi cung ứng về thực phẩm có thể sử dụng nền tảng công nghệ, đội ngũ giao hàng của chúng tôi. Mình thử nghiệm trước xem như thế nào trước khi làm việc thêm với cơ quan chính quyền để nhân rộng ra", Phó Tổng Giám đốc Phát triển Doanh nghiệp, Tiki, Ngô Hoàng Gia Khánh cho hay.
Theo chuyên gia, thách thức lớn để triển khai mô hình này là hiện tại khâu cung ứng hàng tại các nhà bán lẻ không được ổn định. Có cửa hàng hôm trước nhận đơn, nhưng hôm sau phải đóng cửa vì có ca nhiễm. Lực lượng giao hàng vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu, đòi hỏi việc triển khai phải có sự đồng nhất cao giữa các bộ phận liên quan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!