Lượng đơn hàng dệt may xuất khẩu cho quý IV của Việt Nam giảm tới hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân là nhu cầu hàng dệt may giảm mạnh trên toàn cầu.
Như những năm trước, vào khoảng tháng 9, Công ty May 10 đã nhận đủ đơn hàng sản xuất sơ mi, veston cho quý IV, thậm chí là quý I/2021. Tuy nhiên, năm nay công ty mới chỉ đủ lượng đơn hàng cho tháng 9.
"Cho đến thời điểm này, lượng đơn hàng quý IV và quý I/2021 của chúng tôi mới chỉ đạt 50% năng lực sản xuất đối với sản phẩm veston và 60% với sản phẩm sơ mi. Chúng tôi phải ăn đong các đơn hàng theo tháng, thậm chí là theo tuần", ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 nói.
Để có thể duy trì sản xuất cũng như bù lượng đơn hàng truyền thống thiếu hụt, doanh nghiệp phải nhận sản xuất thêm các đơn hàng dệt kim, đồ y tế. Tuy nhiên, họ gặp phải khó khăn về năng suất lao động cũng như lãng phí các thiết bị máy móc.
Lượng đơn hàng dệt may xuất khẩu giảm 50% trong quý IV. Ảnh minh họa - Dân trí
Các đơn hàng tìm kiếm thời điểm này đều đột xuất, nhưng lại đòi hỏi thời gian giao hàng ngắn, vì thế chuẩn bị nguyên liệu đáp ứng trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay cũng không phải chuyện đơn giản.
Thêm vào đó áp lực cạnh tranh giá bán khi hầu hết các khách hàng của các doanh nghiệp đều yêu cầu giảm giá 10 - 20% tuỳ sản phẩm.
Linh hoạt trong kế hoạch kinh doanh theo tuần, tiết giảm chi phí, làm những mặt hàng chưa từng làm mang tính chất mùa vụ và thậm chí là đẩy mạnh khai thác phục vụ thị trường nội địa… là những giải pháp mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam hướng tới để duy trì hoạt động trong bối cảnh hiện nay.
Các doanh nghiệp dệt may cũng kiến nghị các Bộ, ngành nghiên cứu cho doanh nghiệp được hoãn đóng bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm hưu trí để có thêm chi phí hoạt động.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!