Dệt may nỗ lực vượt chướng ngại vật để xây dựng kinh tế tuần hoàn

Kate Trần-Thứ ba, ngày 18/06/2024 09:55 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn là hướng đi bền vững cho ngành dệt may Việt Nam

VTV.vn - Dệt may vốn có nhiều quy định, tiêu chuẩn liên quan tới kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh nhất và đây là chướng ngại vật mà doanh nghiệp ngành này phải vượt qua.

Bài toán nan giải đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ

Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu dệt may bình quân dự kiến sẽ tăng từ 5-6%/năm trong giai đoạn đến năm 2030 (năm 2030 dự kiến 68-70 tỷ USD); tăng từ 2-3%/năm trong giai đoạn từ 2031 đến 2045 (năm 2045 đạt khoảng 95 – 100 tỷ USD).

Dệt may hiện là ngành có nhiều quy định, tiêu chuẩn liên quan tới kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh nhất trên thế giới. Lý do là ngành này có phát thải lớn, trung bình một năm có khoảng 100 triệu tấn rác thải rắn từ quần áo cũ. Trong đó, riêng Trung Quốc mỗi năm tạo ra khoảng 30 triệu tấn, Mỹ khoảng 20 triệu tấn.

Phát triển kinh tế tuần hoàn được coi là chiến lược trọng tâm giúp ngành dệt may Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và có những thương hiệu ngang tầm quốc tế. Có thể nói ây là chướng ngại vật rất lớn mà doanh nghiệp ngành này phải vượt qua nếu muốn phát triển và xuất khẩu bền vững.

Chúng ta đều thấy, giai đoạn phát triển nhanh của ngành dệt may đã qua và trước năm 2030, ngành dệt may Việt Nam cần chuyển dần trọng tâm sang phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn. Kế tiếp đó, từ năm 2030 – 2045, phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu và tiêu thụ trong nước bằng các thương hiệu riêng mang tầm khu vực và thế giới.

Dệt may nỗ lực vượt chướng ngại vật để xây dựng kinh tế tuần hoàn - Ảnh 2.

Kinh tế tuần hoàn là hướng đi bền vững cho ngành dệt may Việt Nam

Chia sẻ với phóng viên về vấn đề này, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay, ngành dệt may Việt Nam có xứ mệnh phải thực hiện thúc đẩy kinh doanh tuần hoàn, nhất là khi Chính phủ đã có những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải ròng, cùng đó thị trường xuất khẩu lớn của ngành đã đặt ra lộ trình và mục tiêu cụ thể về sử dụng sản phẩm tái chế. Nền kinh tế tuần hoàn thúc đẩy sử dụng hiệu quả tài nguyên, tái sử dụng và khép kín chu trình sản xuất nhằm mục đích giảm nguyên liệu và năng lượng đầu vào, kéo dài vòng đời sản phẩm, giảm thiểu phát sinh chất thải và giảm tác động xấu đến môi trường. Nền kinh tế tuần hoàn nhất quán với các nguyên tắc 3R là giảm thiểu - tái sử dụng - tái chế.

Triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, các doanh nghiệp dệt may sẽ có nhiều lợi ích như giảm thiểu việc sử dụng các nguồn tài nguyên không tái tạo như nước, năng lượng, nhiên liệu hóa thạch và nguyên liệu thô; Giảm sự phụ thuộc vào các nước khác, sự phụ thuộc này có thể dẫn tới những căng thẳng về chính trị toàn cầu; Giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính, giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực thông qua thiết kế ưu việt của vật liệu, sản phẩm, hệ thống và mô hình; Gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, tiết kiệm cho người tiêu dùng; Tạo ra các cơ hội kinh tế; Tạo việc làm mới...

"Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn không phải là một quá trình đơn giản, đặc biệt đối với ngành có chuỗi cung ứng phức tạp và rộng khắp trên thế giới như ngành dệt may. Đồng thời thực sự nan giải nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ khi công nghệ sản xuất chưa hiện đại, nguồn tài chính còn chưa mạnh. Doanh nghiệp cần hiểu rằng đây không phải là bài toán có lời giải chung. u thế xanh đã được cả thế giới công nhận nhưng không phải là một đường thẳng tuần tự để tiến và ra chính sách, quy định, doanh nghiệp bám vào đó để làm.", ông Trường nhấn mạnh.

Dẫn chứng cho câu chuyện trên, Hiệp hội dệt may Việt Nam thông tin, EU có kế hoạch hành động Kinh tế tuần hoàn mới nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh, đổi mới công nghiệp, thúc đẩy thị trường dệt may EU bền vững, tuần hoàn; Thoả thuận xanh châu Âu; Chiến lược phát triển bền vững và tuần hoàn dệt may; Chỉ thị báo cáo phát triển bền vững; Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM); Chỉ thị thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, EU đưa ra Quy định về đóng gói và chất lượng đóng gói nhằm xem xét toàn bộ vòng đời bao bì và đảm bảo rằng tất cả các bao bì đều an toàn, bền vững, có thể tái chế. Đặc biệt EU đưa ra quy định Quyền sửa chữa, tức là người sản xuất sản phẩm thời trang có trách nhiệm sửa chữa sản phẩm lỗi nếu người tiêu dùng có yêu cầu…

Trong khi đó, Mỹ đã có Đạo luật ngăn chặn lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ từ năm 2021 nhằm giám sát chặt chẽ hơn chuỗi cung ứng, ngăn chặn sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực có lao động cưỡng bức. Quốc gia này cũng có luật về bảo vệ nhân viên ngành may buộc tất cả các nước sản xuất quần áo xuất khẩu vào Mỹ phải tuân thủ.

Ngoài ra, hiện nay ở Mỹ đã đệ trình Luật thúc đẩy trách nhiệm và xây dựng thay đổi thiết thực trong tổ chức. Luật này yêu cầu các bên tham gia chịu trách nhiệm về vi phạm tiền lương để khuyến khích sản xuất có trách nhiệm; đặt mức lương tối thiểu theo giờ và loại bỏ mức lương từng phần. Hay Luật trách nhiệm xã hội và bền vững thời trang tại Mỹ được đề xuất năm 2022 và chưa được thông qua. Luật yêu cầu các công ty thời trang lớn lập bản đồ chuỗi cung ứng, thiết lập và tiết lộ các mục tiêu ESG, đồng thời giải quyết tác động môi trường và xã hội từ hoạt động của mình.

Còn rất nhiều rào cản

Trên thực tế, hiện đã có nhiều doanh nghiệp dệt may Việt thực hiện ngày càng hiệu quả kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh. Điển hình là Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Tập đoàn này đã áp dụng các giải pháp giảm thiểu carbon bằng việc đo lường dấu chân carbon trong vòng đời sản phẩm; hướng đến xây dựng chiến lược sản xuất xanh, tuần hoàn với những bước đi hết sức cân nhắc, bám theo thị trường. Được biết sẽ có 2 tổng công ty lớn thực hiện xong trong năm 2024. 

Dệt may nỗ lực vượt chướng ngại vật để xây dựng kinh tế tuần hoàn - Ảnh 3.

Việc đầu tư thực hiện ESG, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn chưa phải là dễ dàng đối với doanh nghiệp dệt may.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Vinatex cho biết sẽ tập trung phấn đấu giảm 30% lượng nước thải sau nhuộm bằng công nghệ mới; sử dụng lại 30% nước thải sau xử lý cho các công đoạn giặt, rửa, vệ sinh. Đối với ngành sợi, sẽ sử dụng ít nhất 20% xơ polyester tái chế, 15% bông organic để giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đầu tư điện mặt trời tại các nhà máy đủ điều kiện tự nhiên để phấn đấu 10% lượng điện sử dụng có nguồn gốc từ năng lượng tái tạo…

Song, việc đầu tư thực hiện ESG, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn chưa phải là dễ dàng đối với doanh nghiệp dệt may. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp dệt may còn đối diện với nhiều rào cản khi mà hành lang pháp lý trong nước còn hạn chế, chưa có chính sách, quy định cụ thể cho ngành dệt may về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh hay ESG. Các quy định về kiểm kê khí nhà kính, thuế carbon... vẫn chậm hơn lộ trình áp dụng quốc tế.

Trong khi đó, hệ thống tài chính cho phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, tài chính ESG còn non trẻ, khiến các dự án dệt may xanh, bền vững gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn. Thiếu các chính sách ưu đãi cụ thể để khuyến khích phát triển dệt may tuần hoàn, bền vững, ví dụ như chính sách quy hoạch và phát triển khu công nghiệp xanh cho ngành sợi.

Ngoài ra hạn chế về nguồn cung nguyên liệu xanh, bền vững phục vụ sản xuất. Các loại xơ hóa học tổng hợp hiện đang chiếm tới 65% tổng sản lượng toàn cầu, xơ thực vật (bao gồm bông) chỉ chiếm 27%; Thiếu chuẩn hóa trong dữ liệu ESG để báo cáo, đặc biệt là về môi trường và xã hội; chưa xác định được chuẩn báo cáo ESG để phục vụ được cho nhiều thị trường, khách hàng.

Mượn vai R&D để làm chủ công nghệ

Trong bối cảnh đó, theo các chuyên gia, để đẩy nhanh tận dụng hiệu quả kinh tế tuần hoàn trong sản xuất kinh doanh, nước ta cần thể chế hóa các tiêu chuẩn ESG, kinh tế tuần hoàn trong ngành dệt may với lộ trình phát triển và mục tiêu cụ thể, phù hợp với lộ trình thế giới. Đồng thời, gắn vai trò các bên liên quan và cơ chế tài chính để thực hiện mục tiêu và có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doan nghiệp thông qua các công cụ thuế, tín dụng, đất đai, đặc biệt chính sách cần có bước đi cụ thể.

Về công nghệ, đầu tư và tài chính, cần các nghiên cứu dẫn đường và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp. Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực R&D để làm chủ công nghệ, chuyển giao công nghệ tiên tiến từ đối tác. Khuyến khích phát triển các công cụ tài chính xanh, mô hình hợp tác liên doanh để tận dụng lợi thế kinh tế theo quy mô và đa dạng hóa rủi ro.

Cùng với đó, xác định khoảng cách kỹ năng trong doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp quy hoạch nguồn nhân lực cấp quốc gia để phục vụ quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Xây dựng mạng lưới liên ngành, liên doanh nghiệp để chia sẻ kiến thức và nhân lực. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, xây dựng văn hóa tiêu dùng các sản phẩm xanh, bền vững, ủng hộ doanh nghiệp sản xuất có đạo đức, trách nhiệm.

còn đối với doanh nghiệp, trước hết các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về kinh doanh tuần hoàn để có bước đi thích hợp tập trung vào những khâu doanh nghiệp có thế mạnh, ví dụ tuần hoàn nước, điện áp mái… tính toán lợi ích – chi phí, lộ trình chuyển đổi. Tập hợp các tài liệu liên quan đến truy soát nguồn gốc NPL, đáp ứng yêu cầu tỷ lệ tái chế, vòng đời sản phẩm, nguyên liệu sạch, khả năng tái chế cao…"Trên con đường đến với kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh, đòi hỏi doanh nghiệp cần có sự đầu tư bài bản và nguồn lực lớn", ông Trường nhấn mạnh.

Còn theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần phải tự chủ được nguồn cung nguyên phụ liệu, đáp ứng yêu cầu của hiệp định thương mại tự do (FTA); phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên nguyên lý cơ bản "mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác.../.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước