Đi tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường

VTV Digital-Thứ ba, ngày 21/06/2022 06:26 GMT+7

VTV.vn - Ngành mía đường trong nước đang gặp khó khăn do không thể tiêu thụ được sản phẩm, không đủ sức cạnh tranh được với đường nhập khẩu và cả nhập lậu.

Giá đường mía hiện nay tăng nhẹ dưới tác động của thị trường quốc tế và cước vận chuyển tăng. Tại thị trường trong nước, giá đường vẫn đang giao dịch quanh mức 18 nghìn đồng/kg, tăng khoảng 10-15% so với giai đoạn đầu năm. Tuy nhiên, theo Hiệp hội mía đường, ngành mía đường trong nước đang gặp nhiều khó khăn do không thể tiêu thụ được sản phẩm vì không đủ sức cạnh tranh được với đường nhập khẩu và cả nhập lậu.

Theo một nghiên cứu của Tổ chức Forest Trends, trong giai đoạn 2017-2020, bình quân mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu 1,2-1,8 triệu tấn đường, trong đó nhập khẩu chính ngạch chiếm từ gần 30-90% trong tổng lượng nhập khẩu, tùy theo từng năm, phần còn lại (10-70%) là đường nhập lậu. Thực tế, các cơ quan chức năng đã liên tục phát hiện, bắt giữ nhiều vụ buôn lậu đường cát lên tới hàng trăm tấn.

Đi tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường - Ảnh 1.

Ngành mía đường trong nước gặp khó vì đường lậu

Chiêu trò của các đối tượng buôn lậu đường là chuẩn bị sẵn hóa đơn chứng từ, quay vòng hóa đơn để hợp thức hóa các lô hàng buôn lậu đường. Đại diện Hiệp hội mía đường Việt Nam cho rằng đường nhập lậu đang bán giá rẻ hơn so với đường trong nước từ 2.000 – 3.000 đồng, lại không phải đóng thuế, khiến đường trong nước không cạnh tranh được.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam, cho biết: "Để nhà máy bán có lãi thì phải 19.000 đồng/kg nhưng đường lậu thì 16.000 đồng/kg là bán được rồi. Đường lậu họ mua đứt bán đoạn thì giá nào họ cũng bán được. Do đó, mấy tháng nay, các nhà máy đường làm ra từ mía cứ để tồn kho. Vừa rồi các nhà máy thử bán lỗ cũng không được vì bán ra bao nhiêu là đường lậu họ bán xuống bấy nhiêu".

Theo số liệu tổng hợp từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam, hiện nay các doanh nghiệp sản xuất mía đường đang phải tồn kho 80% sản lượng đường sản xuất ra.

Đề xuất dán tem điện tử mặt hàng đường cát

Trước tình trạng trên, mới đây Bộ Tài chính đã đề xuất triển khai dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc mặt hàng đường, để ngăn chặn đường nhập lậu. Việc dán tem điện tử được kỳ vọng góp phần minh bạch thông tin, xuất xứ sản phẩm, giúp ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại mặt hàng đường cát.

Đối với bao đường đóng gói từ 20kg trở lên, sẽ áp dụng tem điện tử sử dụng công nghệ RFID. Tem này sẽ được dán ở 2 đầu của bao đường. Đối với bao đường đóng gói dưới 20kg thì sẽ áp dụng tem điện tử gắn mã QR code. Tem này có thể in dưới dạng giấy hoặc in trực tiếp trên bao bì đóng gói sản phẩm để giúp cơ quan chức năng và người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc, cơ sở sản xuất của sản phẩm.

Bà Lê Nguyễn Việt Hà, Trưởng phòng Giám quản 4, Cục giám sát quản lý về Hải quan, Tổng cục Hải quan, cho biết: "Tem dán sẽ chứa đựng đầy đủ thông tin về chủng loại đường, về tên, địa chỉ sản xuất, xuất xứ sản phẩm, cũng có thể tra cứu được thông tin về lô hàng nhập khẩu, địa điểm nhập khẩu. Điều này giúp doanh nghiệp truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ sản phẩm, thuận lợi hơn trong việc kiểm tra, thanh tra chống buôn lậu".

Giá đường tăng nhưng doanh nghiệp sản xuất mía đường thì vẫn gặp khó do không cạnh tranh được với đường nhập lậu còn doanh nghiệp dùng đường làm nguyên liệu sản xuất thì lại bị đội chi phí. Một số doanh nghiệp đã phải tìm nhiều giải pháp để ứng phó như điều chỉnh lợi nhuận, tiết giảm chi phí quảng cáo, truyền thông, tăng sản lượng các sản phẩm thế mạnh… Đây là cách mà nhiều doanh nghiệp bánh kẹo, thực phẩm đang phải ứng phó trước việc giá đường tăng cao.

Bộ Công Thương gia hạn điều tra chống lẩn tránh thuế với đường mía thêm 2 tháng Bộ Công Thương gia hạn điều tra chống lẩn tránh thuế với đường mía thêm 2 tháng

VTV.vn - Bộ Công Thương cho biết thời hạn kết thúc điều tra vụ việc là ngày 21/7/2022.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước