Tờ Bưu điện hoa nam buổi sáng trích dẫn nhận định của giới phân tích cho rằng, động thái của Didi cho thấy chiến dịch siết chặt giám sát của Bắc Kinh vẫn đang phủ bóng đen lên ngành công nghệ nước này.
Màn hình hiển thị thông tin giao dịch của Didi trên sàn chứng khoán New York. (Ảnh: Reuters)
Didi bị Bắc Kinh điều tra vì vi phạm quy định an ninh mạng chỉ vài ngày sau khi niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và thu về 4,4 tỷ USD vào ngày 30/6/2021 tại Mỹ.
Trong một thông cáo ngày 16/4, công ty này cho biết sẽ không nộp hồ sơ niêm yết tại bất kỳ sàn giao dịch chứng khoán nào trước khi hoàn tất việc hủy niêm yết tại sàn chứng khoán New York (Mỹ).
Trước đó, trong thông cáo vào tháng 12/2021, Didi cho biết sẽ rút khỏi sàn New York và dự kiến niêm yết tại Hong Kong (Trung Quốc).
Kế hoạch hủy niêm yết ở Mỹ, những bất ổn nảy sinh từ cuộc điều tra về an ninh mạng và triển vọng mờ nhạt của việc niêm yết lại, được dự báo sẽ tiếp tục giáng đòn mạnh vào giá trị của “đại gia” gọi xe này và thậm chí làm xói mòn niềm tin của giới đầu tư vào các cổ phiếu doanh nghiệp Trung Quốc.
Sau thông báo ngày 16/4 của Didi, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) ra thông cáo cho biết kế hoạch hủy niêm yết của công ty này không liên quan gì tới các cổ phiếu doanh nghiệp Trung Quốc khác đang niêm yết ở Mỹ và cũng không liên quan tới "hoạt động hợp tác kiểm toán đang diễn ra giữa Trung Quốc và Mỹ".
Giới phân tích nhận định động thái của SCRC nhằm ngăn chặn thiệt hại dây chuyền gây ra bởi thông báo của Didi.
Thông báo của Didi cho biết, công này sẽ phối hợp hơn nữa với các cơ quan quản lý an ninh mạng Trung Quốc trong cuộc điều tra nói trên và tiến hành cải tổ.
Theo giới phân tích, động thái của Didi cho thấy sự nghiêm túc của Bắc Kinh đối với vấn đề an ninh dữ liệu và an ninh mạng, kể cả khi việc này khiến phát sinh chi phí lớn trong hoạt động của các doanh nghiệp.
Trước đó, Didi được cho là đã "chọc giận" các nhà quản lý an ninh mạng Trung Quốc khi vẫn tiếp tục kế hoạch IPO ở Mỹ dù chưa nhận được sự chấp thuận hoàn toàn của Bắc Kinh, theo tờ Washington Post.
Ngay sau IPO của Didi, các nhà chức trách Trung Quốc, dẫn đầu là Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC), đã yêu cầu các cửa hàng ứng dụng loại bỏ 25 ứng dụng di động do Didi vận hành, đồng thời buộc công ty này dừng tiếp nhận đăng ký của người dùng mới do vấn đề an ninh quốc gia.
Tháng 7/2021, một đội đặc nhiệm của chính phủ, bao gồm đại diện từ Bộ Công an và Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc, đã kiểm tra các văn phòng của Didi nhưng chưa công bố thông tin hay đưa ra kết luận gì.
Quý 4/2021, Didi ghi nhận tổng doanh thu 40,8 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 6,4 tỷ USD), giảm 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong một thông báo khác vào ngày 16/4, công ty này cho biết ông Martin Lau Chi-ping, Chủ tịch hãng công nghệ Tencent, đã rời khỏi hội đồng quản trị của Didi. Người thay thế ông là Liang Fengxia, Phó Giám đốc pháp lý của Tencent.
Didi Chuxing hủy niêm yết tại Mỹ VTV.vn - Ứng dụng gọi xe Trung Quốc Didi Chuxing ngày 3/12 cho biết hãng sẽ dừng niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán New York, Mỹ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!