Hình ảnh những khu chung cư cũ cơi nới, xuống cấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn cho người dân đã không còn xa lạ. Chính vì vậy, việc cải tạo chung cư cũ là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện nay cả nước có hơn 2.500 chung cư cũ xuống cấp, cần được xây mới. Tuy nhiên mới chỉ ít ỏi trong số này được làm lại.
Vì vậy, Luật Nhà ở 2023 sắp có hiệu lực kể từ 1/8 tới với rất nhiều điểm mới và điểm sáng được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tốc độ cải tạo chung cư cũ trên cả nước, đặc biệt là Hà Nội - nơi đang chiếm 2/3 số chung cư cũ của cả nước.
So với Luật Nhà ở 2014, Luật Nhà ở 2023 sắp có hiệu lực đã quy định cụ thể nhiều vấn đề được coi là điểm nghẽn lâu nay. Đầu tiên phải kể đến tỷ lệ người dân đồng thuận đã phù hợp hơn với thực tế.
Theo luật mới, chỉ cần ít nhất 70% tổng số chủ sở hữu nhà chung cư tham gia và tối thiểu 75% các chủ sở hữu tham dự hội nghị đó đồng ý là đã đủ điều kiện. Bên cạnh đó, trước đây, Luật Nhà ở 2014 chưa quy định cụ thể hệ số K bồi thường, nay đã rõ ràng hệ số K từ 1-2.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Công ty cổ phần đầu tư bất động sản toàn cầu GP.Invest cho biết: "Trong một toà chung cư cũ là vô cùng đông, để các chủ sở hữu đồng lòng một ý 100% là điều không bao giờ thực hiện được".
Một trong những nút thắt nữa trong vấn đề cải tạo chung cư cũ là phương án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư riêng lẻ. Trong Luật Nhà ở 2023 đã đưa ra phương án quy gom, thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia hơn. Hiểu đơn giản là sẽ gom những nhà chung cư cũ thấp tầng vào một vị trí để nâng tầng lên, trên cơ sở đó có thể tăng được diện tích cây xanh, diện tích kĩ thuật… đồng thời sẽ giúp người dân được tái định cư tại chỗ.
"Phương án quy gom trong công tác quy hoạch sẽ tạo điều kiện cho các chủ sở hữu đang ở tại các chung cư cũ nếu xây dựng lại không đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng lại nhà ở thì sẽ có nhiều lựa chọn để tái định cư tại chỗ", ông Bùi Tiến Thành - Trưởng phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá: "Điểm mới, điểm mạnh trong quy định lần này là khi chung cư hết thời hạn sử dụng, kiểm định không thể tiếp tục sử dụng thì phải phá dỡ và các chính sách đi theo bắt buộc người dân phải tuân thủ. Các quy định về đền bù cũng rõ ràng hơn, đảm bảo lợi ích của các bên".
Bên cạnh đó, luật mới cũng có quy định cụ thể về việc phải thực hiện phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, thực hiện kiểm định chung cư cũ, trước khi lựa chọn chủ đầu tư, trong khi trước đây chưa có quy định này. Đây là cơ sở quan trọng để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định, định hướng trình tự, thủ tục thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!