"Điểm nghẽn" cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước?

Vấn đề hôm nay-Thứ năm, ngày 19/05/2022 06:26 GMT+7

VTV.vn - Tiến độ thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước 2 năm nay quá chậm. Nguồn thu từ cổ phần hóa không đạt yêu cầu.

Năm 2021, Quốc hội giao Chính phủ nguồn thu từ cổ phần hóa là 40.000 tỉ đồng, nhưng hết năm chỉ thu chưa đầy 2.000 tỉ đồng. Đây là những con số mới nhất vừa được Bộ Tài chính công bố.

Lũy kế giai đoạn 2016 - 2020, đã có 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là gần 489.700 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là gần 233.800 tỷ đồng. 

Điểm nghẽn cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước? - Ảnh 1.

Nguồn thu từ cổ phần hóa không đạt yêu cầu

Tuy nhiên, trong 180 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 39/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (đạt 30% kế hoạch).  Năm 2021 ghi nhận 4 doanh nghiệp cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 333 tỉ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 196 tỉ đồng. 

Vài năm gần đây hầu như năm nào các bộ, ngành và địa phương cũng đều không đạt được kế hoạch cổ phần hóa như đã đề ra. Như năm 2021 vừa qua là điển hình cho thấy công tác cổ phần hóa gần như không có chuyển động nào đáng kể. 

Thất thoát đất công trong cổ phần hoá

Đáng nói, việc cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước nếu không được giám sát chặt sẽ dẫn tới nhiều sai phạm do cố tình "mượn" việc bán doanh nghiệp để bán đất..

Thời gian qua, việc xác định giá trị của doanh nghiệp thường thấp hơn giá trị thực tế, sau khi kiểm toán thì giá trị tăng lên nhiều lần, bình quân tăng 2,8 lần. Nói cách khác, những tài sản là đất của nhà nước đã bị bán đi với giá quá rẻ trong quá trình Nhà nước thoái vốn khỏi doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa và liên doanh, liên kết. 

Tổng công ty 3/2, một trong những doanh nghiệp nhà nước lớn nhất tỉnh Bình Dương cổ phần hóa vào năm 2015. Theo phương án sử dụng đất, khu đất 43 ha và phần góp vốn của Tổng Công ty 3/2 tại Công ty tư nhân Tân Phú được bàn giao về Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương. 

Nhưng chỉ năm sau, tổng công ty này không thực hiện theo phương án đã được duyệt mà chuyển nhượng khu đất 43 ha cho công ty Tân Phú. Điểm đáng nói, giá áp hợp đồng là bảng giá đất của 6 năm trước. 43 ha đất năm 2016 có giá hơn hơn 552 tỉ đồng nhưng áp giá của năm 2010 chỉ còn hơn 250 tỉ, gây thất thoát cho Nhà nước hơn 302 tỉ đồng.

Sau đó, Tổng công ty 3/2 lại thoái vốn tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc. Công ty Âu Lạc tiếp tục chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho doanh nghiệp khác. Đồng thời trong quá trình cổ phần hóa, tổng công ty này cũng "bỏ quên" không tính giá trị khu đất 145 ha gây thiệt hại trên 1.648 tỷ đồng.

"Cấu kết để trục lợi từ tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, định giá tài sản đất đai vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá còn lỏng lẻo chưa chặt chẽ dân tới thất thoát tài sản đất đai", ông Phạm Đức Trung - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết.

Đây chỉ là một trong nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến định giá, chuyển nhượng trái phép đất đai trong quá trình cổ phần hóa. Theo Kiểm toán Nhà nước, kiểm toán giai đoạn 2016 - 2020 đã xác định tăng giá trị phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thêm gần 15.500 tỷ đồng. Một phần lớn số tiền chưa được tính đúng tính đủ là từ đất đai.

"Chọn phương pháp nào để xác định giá trị đất đai là vấn đề rất khó. Đây cũng là điểm nhiều lỗ hổng. Định giá không chính xác làm mất tài sản Nhà nước", bà Maggie Mcghee - Giám đốc điều hành Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc cho biết.

Điểm nghẽn cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước? - Ảnh 2.

Đất đai được xem là một trong những "nút thắt" của việc cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước (Ảnh minh hoạ)

Liên quan đến "nút thắt" đất đai trong cổ phần hoá, đại diện nhiều doanh nghiệp, bộ ngành và các chuyên gia cho rằng phải làm rõ, đất trước cổ phần hoá ai quản lý, trong cổ phần hoá và sau cổ phần hoá ai sẽ quản lý. Từ đó quyết định giá đất, thuê đất và thời hạn thuê đất. Cần có thể chế và phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị quyền sử dụng đất một cách chính xác.

"Chúng ta phải tách đất ra khỏi giá trị của doanh nghiệp. Phải có cơ chế để xử lý những đất đã đang thuộc quyền của doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hoá. Và có một cơ chế để sau khi doanh nghiệp cổ phần hoá thì mối quan hệ giữa họ và đất đang được họ tạm giao quản lý sẽ như thế nào. 

Tôi nghiêng về quan điểm có cơ chế cho thuê, thậm chí cho thuê ngắn hạn. Cho thuê này sẽ chấm dứt ngay sau khi doanh nghiệp sử dụng đất không đúng mục đích. Điều này mới hạn chế được việc lạm dụng đất ở những doanh nghiệp cổ phần hoá", ông Vũ Đình Ánh - Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Thị trường - Giá cả kiến nghị. 

Thoái vốn chậm không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lực thu về cho ngân sách nhà nước, phục vụ kế hoạch đầu tư trung và dài hạn mà còn ảnh hưởng đến chính doanh nghiệp. Vì đối với các doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ cổ phần, chậm thoái vốn sẽ khiến doanh nghiệp khó xác định chiến lược phát triển dài hạn. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung những quy định chưa phù hợp với thực tế hiện nay để hoàn thiện quy định pháp luật, gỡ khó cho quá trình thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. 

Lý do khiến quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước chậm trễ? Các nguy cơ thất thoát đất công trong quá trình cổ phần hoá? Những câu hỏi trên sẽ được giải đáp trong chương trình Vấn đề hôm nay ngày 18/5

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước