Mặt bằng lãi suất hạ nhiệt
Ngày 1/2 (giờ địa phương), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm, lên biên độ 4,5 - 4,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007 và có rất ít dấu hiệu cho thấy FED sắp chấm dứt chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ hiện nay.
Đây là lần tăng lãi suất thứ 8 liên tiếp của FED nhưng là đợt tăng lãi suất quy mô nhỏ nhất kể từ khi chu trình thắt chặt chính sách tiền tệ này bắt đầu hồi tháng 3/2022, khi ngân hàng trung ương Mỹ cố gắng kiềm chế lạm phát mà không làm ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của nền kinh tế.
Quyết định nâng lãi suất của FED được đưa ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý IV/2022 đạt 2,9%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng 3,2% của quý trước đó, nhưng vẫn vượt mức kỳ vọng mà các chuyên gia đã đưa ra. Điều này phản ánh một phần việc nền kinh tế Mỹ quay trở lại với nhịp độ tăng trưởng bình thường hơn sau giai đoạn tăng trưởng bùng nổ nhờ nền kinh tế mở cửa trở lại, các gói kích cầu kinh tế và đại dịch COVID-19 được kiểm soát.
Nhận định về lần tăng lãi suất thứ 8 liên tiếp của FED và ảnh hưởng với kinh tế trong nước, theo PGS.TS Đỗ Hoài Linh - Phó Trưởng bộ môn Ngân hàng Thương mại, Đại học Kinh tế Quốc dân không có gì bất ngờ. "Chúng ta đã hoàn toàn dự tính và tiên liệu được trước đó. Theo quan điểm của tôi việc biến động này sẽ không ảnh hưởng gì tới việc điuề hành cũng như thực thi chính sách tiền tệ trong bối cảnh hiện tại", bà Đỗ Hoài Linh nói.
Tại thị trường trong nước, mặt bằng lãi suất đã hạ nhiệt. Ảnh minh họa.
Thực tế tại thị trường trong nước, mặt bằng lãi suất có phần hạ nhiệt, giảm từ 0,1 - 0,5%/năm so với cuối năm ngoái. Dù vậy, vẫn có khá nhiều người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng đầu năm, giúp đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng.
Lãi suất tiền gửi 6 - 12 tháng, đa phần được các ngân hàng thương mại cổ phần niêm yết từ khoảng 8 - 9,5%/năm, đều đã giảm nhẹ so với thời điểm trước Tết. Nhưng nhiều người vẫn chọn gửi tiền để lấy may đầu năm.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, lượng tiền gửi từ dân cư đã chảy vào hệ thống ngân hàng nhiều hơn từ cuối tháng 11/2022, với mức tăng mạnh 8,9% so với mức 6,8% của tháng 10. Xu hướng này tiếp tục mạnh hơn sau Tết đã góp phần tạo nguồn vốn ổn định cho hệ thống.
Chính sách tiền tệ góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô
Sau 2 đợt Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành trong năm ngoái đã góp phần quan trọng trong kiểm soát lạm phát năm 2022 ở mức 3,15%, đạt mục tiêu đề ra. Năm nay, Chính phủ đặt ra mục tiêu lạm phát dưới 4,5%.
Theo số liệu mới nhất từ tổng cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01 đã tăng 4,89% so với cùng kỳ năm ngoái, khi đây là tháng giáp Tết giá cả các loại hàng hóa, lương thực có nhích tăng. Nhiều ý kiến cho rằng, lạm phát vẫn là một trong những thách thức và nhiệm vụ quan trọng của chính sách tiền tệ năm nay, để đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.
Tổng cục thống kê đặt ra 3 kịch bản lạm phát cho năm nay: Một là ở mức 4,4%; hai là 4,6% và ba là 4,8%. Trong đó vẫn nghiêng về kịch bản đầu tiên. Thách thức lớn nhất là kiểm soát được giá lương thực, thực phẩm nhưng đây lại cũng lại chính là thế mạnh của Việt Nam.
Nguyễn Thị Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết: "Việt Nam chúng ta có nguồn lương thực thực phẩm dồi dào, không chỉ đầy đủ nhu cầu trong nước, mà còn xuất khẩu. Đây là lợi thế rất lớn của Việt Nam giúp giảm áp lực lạm phát".
Chính sách tiền tệ 2023 sẽ được điều hành một cách chủ động, linh hoạt. Ảnh minh họa.
Theo các chuyên gia, lạm phát trong nước cũng chịu sức ép từ lạm phát nhập khẩu từ các quốc gia trên thế giới, gây tăng chi phí sản xuất. Vì vậy, chính sách tiền tệ cần linh hoạt.
Chia sẻ về việc điều hành chính sách tiền tệ năm nay, bà Đỗ Hoài Linh nói: "Theo tôi vị thế của chính sách tiền tệ trong năm nay nên duy trì ở trạng thái thận trọng hay thắt chặt. Nhưng cùng với đó chúng ta cũng cần cẩn trọng và linh hoạt để có thể chủ động trong bối cảnh bất định. Việc các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà thực thi chính sách giai đoạn vừa qua đã làm rất tốt cũng cần tiếp tục duy trì".
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục còn nhiều yếu tố khó lường, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã nhấn mạnh 3 từ khóa quan trọng trong điều hành là chủ động - linh hoạt - đồng bộ để có thể đạt được các mục tiêu đề ra.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ chắn chắn, linh hoạt nhưng hiệu quả và kịp thời. Vừa nhìn nhận đánh giá những khó khăn, tác động ngay đầu năm, cũng sẵn sàng đón nhận những tác động đột xuất từ nền kinh tế thế giới, cũng như những khó khăn nội tại trong nước bất ngờ như năm 2022. Mục tiêu để làm sao có được một chính sách linh hoạt, phù hợp trong vấn đề xác định và điều hành tỷ giá, lãi suất cũng như lượng tiền cung ứng, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, ổn định vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!