Sáng 22/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ, thảo luận về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn trước việc tăng lãi suất của FED và nhiều nền kinh tế khác. Trong đó, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu tăng lãi suất điều hành, tăng lãi suất huy động nhưng vẫn phải cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
Ngay trong chiều cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 1 điểm %, có hiệu lực từ ngày 23/9. Đây là lần tăng lãi suất điều hành đầu tiên kể từ năm 2020, thời điểm đã liên tiếp giảm lãi suất để hỗ trợ cho nền kinh tế vượt qua khó khăn từ dịch bệnh.
Ở đợt tăng này, các mức lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu và lãi suất cho vay qua đêm đồng loạt tăng 1 điểm %. Với tiền gửi, trần lãi suất không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,5%/năm, tăng thêm 0,3 điểm%. Với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng 1 điểm%, lên 5,0%/năm. Những khoản tiền gửi trên 6 tháng vẫn tùy thuộc vào cung cầu vốn của các ngân hàng.
Một điểm đáng lưu ý, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa với một số lĩnh vực ưu tiên, vẫn được giữ nguyên ở mức là 4,5%/năm, nghĩa là dù tăng lãi suất điều hành đầu vào, nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn đang cố gắng giữ ổn định lãi suất cho vay theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Động thái này cũng được nhiều chuyên gia đánh giá là phù hợp, linh hoạt trước những đợt tăng lãi suất liên tiếp của nhiều nền kinh tế trên thế giới.
Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất sau 2 năm. Theo chuyên gia, mức tăng lần này là không tránh khỏi, trong bối cảnh hơn 90 ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất để đối phó với lạm phát.
Ông Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh cho hay: "Lãi suất điều hành có thể tăng nhưng mức tăng tương đối nhỏ, nếu so với các nước cũng nhỏ hơn rất nhiều. Điều này phù hợp với quá trình mong muốn vừa ổn định kinh tế vĩ mô và góp phần hỗ trợ sản xuất kinh doanh".
Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 1 điểm %, có hiệu lực từ ngày 23/9. Ảnh minh họa.
Việc tăng lãi suất điều hành sẽ giúp đảm bảo mức chênh lệch lãi tiền đồng cao hơn so với USD. Qua đó, duy trì vị thế nhất định của tiền đồng và giảm áp lực với tỷ giá. Bởi hiện nay, gần như các đồng tiền khác đều đã mất giá rất mạnh 10 - 20% so với USD.
"Để duy trì cân bằng việc giữ được giá của đồng tiền Việt Nam thông qua giữ tỷ giá hối đoái và phá giá ở mức nhẹ phải kết hợp với biện pháp điều hành chính sách lãi suất theo hướng tăng nhẹ hoặc tìm ra điểm cân bằng để giải quyết cả 3 ài toán vừa ổn định kinh tế vĩ mô, lãi suất và tỷ giá hối đoái, đồng thời không ảnh hưởng tới cán cân thanh toán", ông Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế nhận định.
Các chuyên gia cũng nhận định, lãi suất điều hành tăng sẽ tác động ít nhiều tới mặt bằng lãi suất ở các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã không tăng trần lãi suất cho vay trong đợt này. Kết hợp với việc giữ hạn mức tín dụng ở 14% thì áp lực tăng lãi suất cho vay sẽ không quá lớn.
Ổn định chính sách để thu hút nguồn vốn đầu tư
Hơn 90 nền kinh tế đã tăng lãi suất và dòng tiền của các nhà đầu tư thường có xu hướng dịch chuyển khỏi nơi có lãi suất thấp để đến với nơi có lãi suất cao hơn. Đây là điều không mong muốn. Vì thế, động thái tăng lãi suất lần này được các tổ chức quốc tế đánh giá là bước đi cần thiết giữ chân và thu hút các nguồn vốn đầu tư.
Với lần điều chỉnh lãi suất điều hành này của Ngân hàng Nhà nước, mức độ biến động không quá lớn. Đồng nghĩa với việc bảo toàn giá trị đầu tư của các dòng đầu tư ngoại. Dù tác động tâm lý đâu đó không thể tránh khỏi. Các nhà đầu tư nước ngoài đã có phiên bán ròng thứ 2 liên tiếp kể từ đầu tuần. Giá trị bán ròng gần 600 tỷ đồng (597 tỷ), tính riêng trên sàn HSX, tương đương 25 triệu USD. Nhưng tính chung quý III, thì nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang mua ròng.
Bà Nguyễn Hoài Thu - Giám đốc Đầu tư – VinaCapital cho hay: "Chắc chắn là sẽ có đôi chút tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam, mà tác động lớn nhất là tâm lý nhà đầu tư. Điều này đã thể hiện thanh khoản thị trường giảm xuống trong những phiên gần đây. Tuy nhiên, dòng tiền nước ngoài đã mua ròng thị trường Việt Nam trong quý III đâu đó khoảng 35 triệu USD. Đây cũng là dấu hiệu đáng khích lệ bởi nó cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang quay trở lại".
Theo các chuyên gia, quyết định điều chỉnh lãi suất lần này của Ngân hàng Nhà nước là điều cần thiết để đảm bảo cân bằng yếu tố vĩ mô khác như nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vì các nhà đầu tư toàn cầu hiện nay đều cân nhắc vấn đề lạm phát kỹ lưỡng nhất khi xem xét đầu tư, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi.
"Theo khảo sát mới đây của chúng tôi, các nhà đầu tư quan tâm đầu tiên đến các yếu tố vĩ mô như câu chuyện lạm phát hay chính sách của ngân hàng trung ương với lãi suất là gì. Ở Việt Nam nhờ sự quyết liệt và linh hoạt trong điều hành chính sách của Chính phủ các yếu tố này đang được điều hành tốt nên Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhất trong các thị trường mới nổi theo như một khảo sát mới đây của chúng tôi", ông Dominic Brown - Giám đốc thông tin và phân tích thị trường khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Cushman & Wakefield đánh giá.
Quyết định điều chỉnh lãi suất lần này của Ngân hàng Nhà nước là điều cần thiết để đảm bảo cân bằng yếu tố vĩ mô khác như nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Ảnh minh họa.
Từ đầu năm tới nay, duy trì lãi suất ổn định đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phục hồi sản xuất. Việc điều chỉnh lãi suất hiện nay thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc kiểm soát lạm phát. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá năm nay Việt Nam có thể kiểm soát lạm phát khoảng 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra.
"Các chính sách điều hành của Chính phủ Việt Nam từ đầu năm đến nay cho thấy hiệu quả rõ ràng. Tín dụng được giám sát chặt chẽ với những lĩnh vực có tiềm ẩn rủi ro cao, với trần tín dụng được duy trì ở mức khoảng 14%. Chúng tôi dự báo lạm phát của Việt Nam năm nay là 3,8% và năm 2023 là 4%", ông Andrew Jeffries - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định.
Nền tảng vĩ mô mạnh giúp Việt Nam được đánh giá là phục hồi bền vững và nhanh hơn dự kiến. Triển vọng tăng trưởng GDP tốt chính là một trong những yếu tố chính thu hút đầu tư nước ngoài, giúp Việt Nam chiếm 80% số phiếu bầu cho vị trí điểm đến đầu tư ưu tiên thứ nhất và thứ hai trong nhóm các thị trường mới nổi, theo khảo sát của Cushman &Wakefield.
Trong bối cảnh thị trường thế giới biến động, điều hành chính sách lãi suất, tỷ giá, tín dụng, đảm bảo thu hút dòng vốn đầu tư luôn là thách thức lớn. Trong chỉ đạo điều hành, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh quan điểm đó là: Bảo đảm ổn định trong điều kiện bất định; Giữ thế chủ động trước những diễn biến phức tạp, bất ngờ.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đồng bộ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác. Mục tiêu là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, vẫn tiếp tục là ưu tiên xuyên suốt, lâu lâu dài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!